• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò của đảng viên xuất ngũ

Trong môi trường quân ngũ, nhiều chiến sĩ đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu nên vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trở về đời thường, những đảng viên trẻ này áp dụng các kiến thức đã được học tập trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương sáng để nhiều người học tập làm theo, từ đó góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Anh Nguyễn Thiên Thọ (bên phải) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người thân - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Không ngừng nỗ lực

Ngôi nhà 2 tầng khang trang của anh Nguyễn Công Định (sinh năm 1986) ở thôn Xuân Quy, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong nằm gần bờ sông Vĩnh Định. Sát một bên nhà là xưởng cơ khí của anh. Giới thiệu với tôi về cơ ngơi hiện có, anh Định nói: “Nhờ quá trình rèn luyện và được kết nạp vào Đảng trong quân ngũ đã giúp tôi có bản lĩnh vững vàng hơn. Vì thế, trước những khó khăn, thách thức của cuộc sống, tôi luôn tìm cách để vượt qua chứ không lùi bước”.

Năm 2007, anh Định nhập ngũ tại Đại đội 17, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4. Vốn có năng khiếu viết chữ đẹp, cắt chữ khéo nên anh thường xuyên giúp đơn vị trang trí hội trường trong những ngày hội lớn. Ít lâu sau, anh được đơn vị cho đi học lớp hạ sĩ quan.

Nhờ quá trình nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc học tập nên vào năm 2008, anh được kết nạp vào Đảng. Anh nhận thức rằng đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời, bởi từ nay, anh đã là đảng viên, là người tiên phong trên mọi mặt trận.

“Năm 2009, tôi xuất ngũ rồi trở về quê lập nghiệp. Lúc bấy giờ, có sức trẻ và lòng nhiệt huyết sục sôi nên tôi năng nổ tham gia các phong trào, hoạt động do đoàn thanh niên, địa phương tổ chức. Sau đó, tôi được bầu làm phó bí thư rồi bí thư chi đoàn thôn”, anh Định nhớ lại.

Là thủ lĩnh đoàn, anh Định tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thiết thực hướng đến cộng đồng, huy động được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, góp phần đưa phong trào đoàn ngày càng đi lên.

Năm 2014, anh được bổ sung vào lực lượng công an xã và từ đầu năm 2017 đến nay, anh làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã. Ở cương vị mới, anh cùng ban chấp hành hội thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên, từ đó đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để lãnh đạo, cấp trên quan tâm hỗ trợ CCB vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

Anh Nguyễn Thiên Thọ (sinh năm 1990) ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, đi bộ đội vào tháng 9/2009 tại Tiểu đoàn 43, Trung đoàn 842, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, anh làm nhiệm vụ liên lạc của tiểu đoàn. Đến tháng 6/2010, anh làm công vụ, thuộc Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh. Năm 2011, anh được kết nạp vào Đảng.

Ra quân, Bộ Quốc phòng cấp cho anh 1 thẻ học nghề trị giá khoảng 17 triệu đồng. Lúc bấy giờ, anh quyết định đi học lái xe tại Trường Trung cấp nghề số 23 (nay là Trường Cao đẳng nghề số 23), Bộ Quốc phòng.

Từ năm 2012 - 2014, anh trải qua nhiều công việc để mưu sinh. Sau một thời gian lăn lộn làm ăn nơi xứ người nhưng không khả quan, năm 2015 anh trở về quê đăng ký học đại học từ xa ngành Luật.

“Năm 2016, tôi làm Bí thư Chi đoàn thôn Nam Sơn. Tháng 3/2017, tại Đại hội Hội CCB xã Trung Giang nhiệm kỳ 2017-2022, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB xã. Tháng 3/2018, tôi đảm trách vị trí Phó Bí thư Chi bộ thôn Nam Sơn. Trong năm 2020, tôi được bổ sung vào Ban Quản lý bãi tắm Trung Giang”, anh Thọ cho hay.

Nêu gương bằng việc làm cụ thể

Năm 2019, anh Thọ vay vốn từ ngân hàng và huy động nguồn vốn tự có để làm 1 bè cá với 4 lồng nuôi các loại cá: Vược, Hồng mỹ, Nâu trên dòng sông Bến Hải. Đây là mô hình nuôi cá lồng bè đầu tiên của xã Trung Giang.

Xưởng cơ khí của anh Nguyễn Công Định (bên phải) tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Để đi đến quyết định làm mô hình này, anh Thọ đã bỏ thời gian, công sức học hỏi nhiều nơi trong tỉnh. Vì còn thiếu kinh nghiệm và bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên vụ nuôi đầu tiên anh lỗ nặng. Không nản chí, anh cặm cụi nghiên cứu kỹ thuật nuôi cá lồng bè từ sách báo và internet để bổ sung kiến thức.

Năm thứ 2, anh tiếp tục vay vốn từ ngân hàng để mua cá giống, làm 1 bè với 6 lồng (tổng diện tích khoảng 108 m2 ) nuôi cá Hồng mỹ, Mú, Nâu và tôm hùm. Nhờ rút kinh nghiệm và thực hiện đúng kỹ thuật nuôi nên năng suất, sản lượng thủy sản đạt cao.

Đến nay, mô hình nuôi cá lồng bè của anh hoạt động cơ bản ổn định. Mỗi năm anh nuôi một vụ, kéo dài khoảng 6 tháng. Nhiều người trong thôn thấy mô hình của anh mang lại hiệu quả kinh tế khá nên đã đến tìm hiểu, học hỏi.

Anh Thọ không hề ngần ngại, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ họ về nhiều mặt. Hiện, toàn thôn Nam Sơn có 4 bè với gần 20 lồng cá nuôi trên sông Bến Hải.

Anh Thọ chia sẻ: “Cá giống Hồng mỹ tôi mua ở Huế, còn tôm hùm, cá Nâu, cá Mú thì mua tại địa phương. Tôi thả cá giống từ cuối mùa lũ (khoảng tháng 11 âm lịch). Trước khi thả con giống, tôi nghiên cứu con nước, đo độ mặn trong nước...

Quá trình nuôi, tôi luôn mua thức ăn tươi là các loại cá biển về băm nhỏ cho cá ăn. Một trong những yếu tố quan trọng là thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ”. Cá Hồng mỹ sau 6 tháng nuôi sẽ được thu hoạch. Trung bình 1.000 con giống sẽ thu được khoảng 8 tạ. Cá Nâu, cá Mú, tôm hùm được nuôi lâu hơn và thu dần. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm anh Thọ lãi ròng từ 70 - 80 triệu đồng.

“Mặc dù thời gian khá bận rộn nhưng tôi luôn sắp xếp ổn thỏa, hoàn thành tốt mọi công việc cấp trên giao phó và cần cù lao động, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Khi mình nói được, làm được thì người dân sẽ nghe và làm theo. Sắp tới, tôi nghiên cứu nuôi thử nghiệm thêm giống cá mới và mở rộng thị trường tiêu thụ”, anh Thọ nói.

Cũng như anh Thọ, đảng viên Nguyễn Công Định vừa làm công tác xã hội, vừa tìm tòi hướng phát triển kinh tế gia đình. Năm 2009, sau khi xuất ngũ, anh làm công nhân cho một doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian làm việc tại đây, với đức tính chăm chỉ, cần cù, anh học hỏi thêm nghề cơ khí. 3 năm sau, anh nghỉ việc tại công ty để về nhà mở xưởng cơ khí từ nguồn vốn vay của ngân hàng. Xưởng của anh nhận hàn lợp mái nhà, hàng rào, cửa sắt và inox cho các công trình trong và ngoài huyện.

“Ban đầu, một mình tôi đảm đương hết mọi việc. Sau 1 năm mở xưởng, tôi tuyển thêm 3 nhân công. Nay, công việc ổn định, các sản phẩm của xưởng cũng được khách hàng tin tưởng nên chúng tôi nhận được nhiều công trình hơn. Hiện nay, xưởng của tôi tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/người/ tháng”, anh Định kể.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Định đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. Quãng thời gian anh mở xưởng cơ khí, trong thôn có thêm 2 xưởng khác, tuy nhiên, đến nay chỉ có anh bám trụ và phát triển ngành nghề.

Không chỉ làm giàu cho mình, thời gian qua anh thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên CCB và người dân địa phương chủ động vượt qua khó khăn, mạnh dạn đầu tư sản xuất để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Là đảng viên, CCB, anh không nề hà khó khăn, luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nhờ vậy, anh luôn được bà con làng xóm tin tưởng và quý mến.

Trần Tuyền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 790
Hôm qua : 1.150
Tháng 05 : 19.148
Tháng trước : 95.444
Năm 2024 : 3.047.451
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04