Bài dự thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”
Người ẩn danh và trò lố của những kẻ “ném đá” hại người - Bài 2: Lợi dụng ẩn danh “ném đá” hại người
Internet giúp con người có thể tiếp nhận một lượng thông tin rất lớn. Về mặt tích cực, những thông tin này là nguồn tri thức vô hạn, để con người khai thác, học tập, vận dụng trong các hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các thông tin xấu, độc, lệch chuẩn, sai trái, thù địch, các thông tin gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân phát triển - tuy trên môi trường ảo, nhưng những thông tin này lại có mối quan hệ mật thiết với thế giới thực.
Từ những hành vi đơn lẻ hòng trục lợi...
Những mặt tiêu cực này đã và đang dần len lỏi vào đời sống xã hội Việt Nam, xuất hiện những yếu tố làm cho con người trở nên lệch lạc, mất phương hướng dẫn đến dễ tin hoặc làm theo những quan điểm sai trái, thù địch, có những hành động lệch chuẩn gây ảnh hưởng tới uy tín, quyền lợi của tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Không gian mạng (KGM) góp phần hình thành nên xã hội số, ngoài các thông tin tích cực, các tri thức có ích còn tồn tại một lượng thông tin xấu, độc nhất định. Nguồn “nguyên liệu” chính để hình thành thông tin trên KGM xuất phát từ những mối quan hệ, các hoạt động hằng ngày của các cá nhân, xã hội nên bao giờ cũng lẫn trong đó những “tạp chất”. Khi con người tiếp nhận thông tin, bản thân mỗi người đều tự hình thành một “bộ lọc” để tiếp nhận những thông tin được coi là có ích, có lợi tùy thuộc vào quan điểm, mục đích, thị hiếu của chính mình.
Có những vấn đề cùng là một thông tin nhưng đối với người này là có lợi, đối với người khác thì không và ngược lại. Các tiêu chí để đánh giá “có lợi”, “có hại”, “có ích”, “vô ích”, “tích cực”, “tiêu cực” chỉ mang tính tương đối. Các hoạt động của con người trên KGM, trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật cho phép con người thực hiện các hoạt động ẩn danh để đạt được những “phần lợi ích” nhiều nhất, “có lợi” nhiều nhất.
Mạng xã hội (MXH) Facebook, một dịch vụ trên KGM có nhiều người sử dụng cho phép các hoạt động ẩn danh để cung cấp thông tin. Ở Việt Nam, tính đến năm 2024, trên MXH Facebook có khoảng 78 triệu tài khoản đang hoạt động. Cũng năm 2024, MXH Zalo có khoảng 75 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên; MXH TikTok có 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên.
Ngoài các tài khoản chính danh, cung cấp thông tin hữu ích, có giá trị còn rất nhiều tài khoản ảo, tài khoản ẩn danh cung cấp các thông tin về mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội dưới danh nghĩa là các hoạt động dân sự, lợi dụng quyền cung cấp thông tin, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, xúc phạm, bôi nhọ, cung cấp các thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận, gây bức xúc trong xã hội.
Người ẩn danh và trò lố của những kẻ “ném đá” hại người. Ảnh minh họa: MẠNH TIẾN |
Những hoạt động lừa đảo, giả mạo, giả danh cơ quan, tổ chức, cá nhân ngày càng được các đối tượng thông qua hoạt động ẩn danh để lợi dụng niềm tin hòng trục lợi cá nhân, chiếm đoạt tài sản của người khác. Thời gian qua, nhiều người dân trên cả nước liên tục bị các số điện thoại giả mạo cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà nước gọi đến với nội dung như: “Cập nhật số liệu thẻ căn cước công dân”; giả danh cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng thông báo “số điện thoại sẽ bị chặn, hủy và khóa sau vài giờ”; thông báo triệu tập của “công an xã”, “công an huyện” đến xử lý và thực hiện hoàn thành thủ tục của tòa án, pháp luật hay xử lý nợ; giả danh cán bộ ngân hàng “thông báo trúng thưởng”, thực hiện tra soát tài khoản, yêu cầu người dân cung cấp số tài khoản, mật khẩu giao dịch, mã OTP...
Hay việc người sử dụng MXH Facebook, Zalo, Viber, Telegram... liên tục được đưa vào các hội, nhóm, bị gửi các đường liên kết trên mạng có tiêu đề hấp dẫn, gây sốc có chứa đựng mã độc, chứa đựng các cách thức truy cập trái phép vào tài khoản hoặc giả danh người thân vay tiền... Nhiều tài khoản ẩn danh, giả mạo các kênh truyền thông chính thống như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân... các cơ quan, tổ chức có uy tín như các bệnh viện nổi tiếng để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc giả, tư vấn cách thức chữa bệnh, bán “thuốc dạo” để chữa bệnh ung thư, bệnh đặc trị... Điều đáng buồn là nhiều người dân đã sập bẫy lừa đảo của các đối tượng này, bị ảnh hưởng tâm lý, thiệt hại về kinh tế với số tiền rất lớn.
Ngoài ra, còn có các hoạt động ẩn danh nhằm thực hiện các hành vi ác ý, bôi nhọ danh dự người khác. Nhiều người dân bị các tài khoản MXH ẩn danh ghép các nội dung xấu, giả mạo và tạo các đoạn video clip nhằm mục đích bắt nạt, quấy rối, lăng mạ, sỉ nhục, tra tấn tinh thần thông qua các phương tiện điện tử và KGM. Trên MXH Facebook, có nhiều hội, nhóm mang những cái tên gây sốc như: “Bóc phốt”, “diễn đàn”, “trang thú tội (confession)”..., các tài khoản này gửi tin nhắn, đánh cắp thông tin và phá hoại tài khoản, đăng tin nhắn, comment, gửi các tin nhắn, đăng các hình ảnh, video clip có nội dung khiêu dâm gây rối loạn tâm lý, tổn thương, tổn hại đến uy tín, danh dự của người khác.
Các tài khoản ẩn danh còn dùng công nghệ để định vị, theo dõi vị trí và hoạt động của nạn nhân để quấy rối, theo dõi người khác trên MXH; đăng tải thông tin riêng tư hoặc giả mạo danh tính nhằm làm tổn hại danh dự, uy tín của người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm trạng và tinh thần của họ. Các hoạt động này còn hướng đến xâm hại trẻ em, nhiều trẻ em bị dụ dỗ gửi ảnh, video về bộ phận nhạy cảm khi sử dụng internet. Nhiều trẻ vị thành niên thông qua môi trường mạng bị dụ dỗ tham gia đường dây mua bán người, đường dây thực hiện các dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, quán bar, quán karaoke trá hình...
...đến phá hoại sự ổn định của đất nước
Nói về hoạt động ẩn danh trên KGM, thời gian qua đã có nhiều tiền lệ và hậu quả xấu đối với đời sống xã hội, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Các hoạt động lợi dụng MXH, lợi dụng các yếu tố kỹ thuật và kẽ hở của pháp luật, lợi dụng lòng tin và “mơ màng” với cảm giác đứng trong bóng tối, thực hiện các hoạt động ẩn danh để sử dụng các thông tin giả mạo, thất thiệt, đưa thêm thông tin nửa vời, cắt ghép; lợi dụng ẩn danh để lừa đảo, đưa các thông tin sai trái, xuyên tạc để “ném đá” hại người; qua đó gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết; làm nảy sinh tư tưởng nghi ngờ, đố kỵ, thậm chí gây hoang mang, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Nguy hiểm hơn nữa, các hoạt động ẩn danh còn được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng để chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ, kích động bạo lực, cổ vũ cho các hoạt động tập trung đông người hòng thúc đẩy bạo loạn, bạo động; thực hiện các hoạt động cổ xúy, thúc đẩy “cách mạng màu”.
Các kênh truyền thông cả chính danh lẫn ẩn danh của một số cá nhân, tổ chức móc nối với một số đối tượng chống đối, bất mãn trong nước nhằm đưa các tin, bài có nội dung tiêu cực, xuyên tạc; lợi dụng tình hình và các sự kiện quan trọng của đất nước, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề liên quan đến tôn giáo, nhân quyền, dân chủ, dân tộc... để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, bôi xấu các thành quả của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vừa qua, trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi), các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng xấu, hoang mang dư luận liên tục được tung ra trên MXH Facebook, YouTube với những dòng trạng thái, hình ảnh, video clip “vỡ đê” ở một địa phương nào đó... Trên các tài khoản này, ngoài các thông tin xấu, thất thiệt còn cung cấp nhiều thông tin sai trái, sai lệch, cổ vũ các hành vi lệch chuẩn, thực hiện các hành vi chống phá những thành quả mà Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được.
Trên thế giới, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Liên minh châu Âu... đã có những hành lang pháp lý nhằm xử lý các hành vi trên KGM, trong đó có những quy định để thực hiện giám sát, trừng phạt hoặc thực hiện các biện pháp hình sự. Đã đến lúc chúng ta quan tâm, hoàn thiện và xây dựng các hành lang pháp lý liên quan đến các hoạt động ẩn danh và lợi dụng ẩn danh để thực hiện các hành vi xấu trên KGM.
Ngoài ra, cần có các hành lang pháp lý về “chính danh” trong các hoạt động liên quan đến KGM, đồng thời cần nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm của người dân khi sử dụng MXH. Cần xây dựng “thế trận lòng dân” trên KGM để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới hiện nay.
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.