• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SÁNG MÃI NHỮNG CHIẾN CÔNG

Trung đoàn 271 được thành lập ngày 12/8/1971 tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An với nhiệm vụ là lực lượng chủ lực bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sẵn sàng cơ động vào miền Nam chiến đấu. Trải qua những năm tháng đầy cam go, ác liệt trên chiến trường Trị Thiên, với ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, “biết đánh, quyết đánh và quyết thắng”, Trung đoàn 271 đã lập nhiều chiến công, góp phần quan trọng giải phóng Quảng Trị và Thừa Thiên, tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh Trung đoàn 271 gặp mặt truyền thống - Ảnh: A.T

Lực lượng của Trung đoàn 271 được hình thành từ 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, một số lực lượng của các tỉnh Thanh Hoá, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và đơn vị binh chủng thuộc Bộ Quốc Phòng.

Sau gần 1 năm ổn định tổ chức, biên chế và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đường chiến lược U Bò - Ba Rền tại Quảng Bình, đầu tháng 8/1972, đơn vị cơ động vào chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất.

Được giao nhiệm vụ chủ yếu chốt giữ các vùng đất giáp ranh giữa ta và địch, Trung đoàn 271 đã nhanh chóng triển khai lực lượng phối hợp đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng; tổ chức đánh nhiều trận tập kích lấy lại những vùng đất địch tái chiếm. Đồng thời, trung đoàn đã hợp đồng cùng với các lực lượng vận chuyển vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho Thành Cổ Quảng Trị và đưa thương binh, liệt sĩ về tuyến sau.

Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, thời tiết khắc nghiệt, nhiều ngày nhịn đói, nhịn khát, các đơn vị thuộc trung đoàn đã anh dũng chiến đấu, đánh địch xung quanh Thành Cổ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đặc biệt, trung đoàn đã tổ chức đại đội 16 đặc công bí mật luồn sâu đánh địch ở Chợ Sãi và Bắc Nại Cửu (Triệu Thành, Triệu Phong), làm cho chúng bị thiệt hại nặng.

Các trận chiến đấu đó đã kéo giãn lực lượng địch vòng ngoài, làm giảm áp lực, góp phần phá thế bao vây của địch, tạo thế đứng cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương bám trụ kiên cường, chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị.

Thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam và trên bầu trời miền Bắc, Mỹ đã phải xuống thang tại Hội nghị Paris và đi đến ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại Quảng Trị, tháng 1/1973, Mỹ - ngụy mở chiến dịch “Tango City” nhằm đánh chiếm Cửa Việt trước khi Hiệp định Paris được ký kết, tiến đến âm mưu tấn công Đông Hà làm bàn đạp chiếm lại toàn bộ vùng giải phóng Quảng Trị.

Ngày 25/1/1973, lực lượng hỗn hợp gồm hải quân, thủy quân lục chiến, xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh… cùng sự yểm trợ của máy bay ném bom chiến lược B-52 chia thành nhiều mũi dồn dập tiến công trên toàn tuyến phòng ngự của quân Giải phóng. Trung đoàn 271 cùng các sư đoàn chủ lực và bộ đội địa phương Quảng Trị đánh trả quyết liệt khiến địch bị thiệt hại nặng buộc phải dừng lại.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết và đúng ngày này, quân ngụy Sài Gòn dốc toàn lực tiếp tục tấn công Cửa Việt. Bằng ý chí chiến đấu dũng cảm kiên cường, mưu trí, sáng tạo, Trung đoàn 271 đã bẻ gãy các mũi tiến công của địch vào trận địa phòng ngự, tiêu diệt địch hơn 100 tên, bắn cháy 2 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay, thu nhiều vũ khí.

Ngày 31/1/1973, quân địch bị thiệt hại nặng nề buộc phải rút khỏi khu vực bờ Nam Cửa Việt, chiến dịch “Tango City” thất bại hoàn toàn, đập tan âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, trừng trị thích đáng hành động vi phạm Hiệp định Paris của Mỹ - ngụy.

Phát huy khí thế chiến thắng Cửa Việt, Trung đoàn 271 tiếp tục chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ cơ quan đầu não của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, bảo vệ chuyến thăm vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị của Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro, tham gia bảo vệ trao trả tù binh hai bên khi Hiệp định Paris có hiệu lực tại sông Thạch Hãn.

Cuối năm 1973, đầu năm 1974, Trung đoàn 271 hành quân vào chốt giữ tuyến ranh giới phía Tây Nam Thừa Thiên - Huế. Nơi đây là khu vực hiểm yếu của địch, vì vậy chúng đã tập trung lực lượng đánh chiếm vùng giải phóng với những trận đánh phản kích, tập kích ác liệt. Trung đoàn 271 đã chủ động linh hoạt, chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng giải phóng.

Tiêu biểu là trận chiến đấu phòng ngự cao điểm Núi Bông, Tiểu đội trưởng Nguyễn Công Khuần chỉ huy Tiểu đội thuộc Tiểu đoàn 8 đã anh dũng chiến đấu, đánh bại 7 đợt tấn công của 2 đại đội địch, giữ vững trận địa phòng ngự. Đặc biệt, trận đánh hiệp đồng binh chủng tại cao điểm 362A ngày 19/8/1974 diễn ra ác liệt, Trung đoàn 271 giành thắng lợi hoàn toàn, tiêu diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí.

Cùng với hàng chục trận đánh lớn nhỏ khác, Trung đoàn 271 đã chốt giữ, bảo vệ tuyến ranh giới, tạo cơ sở tiền đề cho các đơn vị bạn tập kết, củng cố lực lượng, mở đường vận chuyển lương thực, thực phẩm, trang thiết bị kỹ thuật chuẩn bị cho đòn tiến công chiến lược.

Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, tối ngày 8/3/1975, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 271 đã tiến công mạnh mẽ vào căn cứ La Sơn, chỉ sau 1 giờ chiến đấu tiểu đoàn đã làm chủ toàn bộ căn cứ La Sơn. Ngày 13/3/1975, Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 271 đánh chiếm các cao điểm 300, động Chúc Mao, động Chi Vôi.

Sau đó, đơn vị kết hợp với các lực lượng thọc sâu đánh vào Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1 ngụy tại Phú Bài, đánh chiếm đài phát thanh ở An Cựu, thành phố Huế và tiếp tục truy kích địch về cửa biển Thuận An. Trưa ngày 26/3/1975, Trung đoàn 271 và các đơn vị đã làm chủ thành phố Huế.

Trong chiến dịch này, Trung đoàn phối hợp chiến đấu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống gần 3.000 tù binh, thu hàng ngàn khẩu súng và phương tiện vũ khí của quân ngụy Sài Gòn.

Các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên hoàn toàn giải phóng, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 271 tiếp tục bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng; rà phá bom mìn, tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ, khắc phục hậu quả chiến tranh; xây dựng các công trình đường sá, cầu cống ở trong nước và trên đất nước bạn Lào.

Tháng 9/1982, đơn vị cơ động vào Vũng Tàu, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho ngành dầu khí, vừa bảo vệ các công trình kinh tế trọng điểm của đất nước. Tháng 2/1983, Trung đoàn 271 chuyển sang làm nhiệm vụ khai thác dầu khí, ghi danh vào trang đầu của sự nghiệp ngành dầu khí Việt Nam.

Trung đoàn 271 với truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong thời gian không dài, gần 14 năm nhưng đầy tự hào với những chiến công hiển hách.

Trên chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 271 đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, bền gan, vững chí bám đất, bám rừng, một tấc không đi, một ly không rời, quyết hy sinh để giữ từng tấc đất đã giải phóng. Trung đoàn đã góp phần tạo thế và lực, là một lực lượng quan trọng tiến công giải phóng các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những chiến công đó đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt, khắc ghi về tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, hy sinh tất cả vì độc lập tự do, thống nhất đất nước mà ngày nay, mỗi chúng ta hết sức trân trọng học tập và noi theo.

Bài, ảnh: Anh Tú


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Hôm nay : 854
Hôm qua : 1.149
Tháng 04 : 21.484
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.044.564
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04