• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thắng lợi vẻ vang của lực lượng cách mạng Quảng Trị trong cách mạng Tháng Tám năm 1945

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với khí thế sục sôi, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành chính quyền trong cả nước. Trong những ngày tháng lịch sử hào hùng đó, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh từng bước được hình thành từ những đội tự vệ làm nòng cốt cùng Nhân dân và các lực lượng cách mạng đấu tranh đánh đổ thực dân, phong kiến. Ngày 23/8/1945 trở thành ngày truyền thống của LLVT tỉnh Quảng Trị trong niềm vui độc lập, tự do của quê hương, đất nước.

 

Tháng 3/1945, quân Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cùng với cả nước, cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân Quảng Trị lúc này phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sắp diễn ra.

Tháng 4/1945, tại Liêm Công Đông (Vĩnh Linh), hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập, quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Bùi Trung Lập làm bí thư. Hội nghị tập trung thảo luận một số nhiệm vụ cấp bách phục vụ cho khởi nghĩa giành chính quyền, đặc biệt là tổ chức các đội tự vệ, du kích.

Tháng 6/1945, hội nghị lần thứ hai của Tỉnh ủy lâm thời đã xác định chủ trương: Phát triển các đội tự vệ, xây dựng các chiến khu, vũ trang toàn dân tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Trong cùng thời gian này, nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh bị địch bắt và tù đày trở về địa phương hoạt động, đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong việc huấn luyện quân sự cho các đội tự vệ và các tổ du kích. Phong trào quần chúng dấy lên mạnh mẽ, phát động toàn dân luyện tập quân sự, rèn đúc vũ khí, phát triển lực lượng tự vệ được vũ trang.

Đến cuối tháng 7/1945, cơ sở Việt Minh có lực lượng đông và tương đối mạnh, trong đó có các đoàn thể cứu quốc và lực lượng tự vệ chiến đấu. Toàn tỉnh đã có 400 đảng viên và cán bộ Việt Minh, hàng nghìn tự vệ chiến đấu và hàng vạn hội viên Việt Minh.

Ngày 18/8/1945, hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập tại Phước Lễ (Triệu Phong) nhằm thống nhất lực lượng cách mạng trong tỉnh và bàn việc gấp rút chuẩn bị các mặt để tiến lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng 19/8, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Quảng Trị quyết định tiến hành khởi nghĩa trong toàn tỉnh vào đêm 22/8/1945. Những việc chuẩn bị cho khởi nghĩa giành toàn thắng còn nhiều vấn đề bất cập, trong đó vấn đề lớn nhất là LLVT cách mạng.

Vì vậy, vấn đề cấp bách là phải bắt tay ngay vào việc xây dựng các đội tự vệ chiến đấu tập trung chọn lọc trong số dân quân, tự vệ của Triệu Phong và Hải Lăng. Về vũ khí, cùng với việc huy động rèn, đúc giáo, mác, mã tấu, còn tìm cách mua lại vũ khí của quân đội Nhật. Việc luyện tập do một số đồng chí có kinh nghiệm, kiến thức quân sự trong thời kỳ ở nhà đày Buôn Mê Thuột phụ trách.

Để chuẩn bị LLVT tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện, thị xã, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đã cử nhiều cán bộ về huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ của các địa phương. Nhờ gấp rút chuẩn bị, nên chỉ sau hai ngày lựa chọn, tỉnh đã tập hợp được 15 đại đội tự vệ. Mỗi đại đội được trang bị 10 khẩu súng trường, vài trăm viên đạn, còn phần đông chiến sĩ sử dụng giáo, mác, mã tấu... Ở các huyện, thị xã cũng thành lập các đơn vị tự vệ, dù vũ khí còn thô sơ nhưng đội ngũ được tổ chức chỉnh tề, tinh thần phấn chấn, sẵn sàng cùng toàn dân nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa.

Chiều 22/8/1945, 5 đại đội tự vệ của tỉnh bí mật cơ động về sát thị xã Quảng Trị và đến 10 giờ đêm đã tiến vào thị xã. 1 giờ sáng ngày 23/8/1945, các đơn vị vũ trang đột nhập thị xã tỉnh lỵ, chiếm lĩnh tất cả các vị trí, trận địa đã được phân công. Các lực lượng biểu tình thị uy từ nhiều hướng rầm rộ tiến vào thị xã Quảng Trị. Đồng thời, để ngăn chặn hoạt động phản ứng của địch, LLVT trong tư thế chiến đấu sẵn sàng uy hiếp và đè bẹp ý chí kháng cự của địch.

Được sự bảo vệ của các đội tự vệ và các đội vũ trang, lực lượng cách mạng đã vào hết trong thị xã, chuyển sang tuần hành thị uy với một biển người, băng cờ, khẩu hiệu, khí thế hùng dũng, hiên ngang. 5 giờ sáng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên dinh tỉnh trưởng Quảng Trị (tức tòa công sứ Pháp). 9 giờ sáng, LLVT bảo vệ cuộc mít tinh lớn được tổ chức ngay trước tòa công sứ Pháp với hàng ngàn quần chúng nhân dân tham gia. Tại đây, thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố: Xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng.

Ở các phủ, huyện, lực lượng cách mạng tập trung nhất tề khởi nghĩa. Các đội tự vệ chiến đấu, các thanh niên được trang bị vũ khí có nhiệm vụ cùng tham gia và bảo vệ các đoàn biểu tình, tuần hành, sẵn sàng trấn áp, tiêu diệt lực lượng chống đối, đồng thời tổ chức lực lượng có nhiệm vụ cơ động, áp sát các phủ đường, trại lính, tạo sức ép buộc chúng phải đầu hàng cách mạng, trao trả chính quyền về tay Nhân dân.

Các địa phương Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh đều giành chính quyền trong đêm 22 hoặc rạng sáng 23/8; Huyện Cam Lộ, thị trấn Đông Hà khởi nghĩa thắng lợi ngày 24/8; tại huyện Hướng Hóa, chính quyền cách mạng được thành lập vào ngày 25/8. Sau khi giành được chính quyền, các đơn vị chiến đấu của tỉnh, các huyện, thị xã tiếp tục làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ công sở, cơ quan và trấn áp những phần tử ngoan cố chống đối cách mạng.

12 giờ ngày 23/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị ra Quân lệnh số 2 với nội dung: Mở cuộc đăng ký tuyển quân cấp tốc thành lập chi đội giải phóng quân với 1.500 chiến sĩ kể cả một số đơn vị trực thuộc như thông tin, quân y, quân nhu... Thực hiện Quân lệnh số 2, hàng nghìn thanh niên khắp nơi trong tỉnh đã đăng ký nhập ngũ, từ đó, chi đội giải phóng quân đầu tiên mang tên Nguyễn Thiện Thuật ra đời với 1.500 quân, đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và của quân đội ta.

Đồng thời, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập Ban Tự vệ chiến đấu ở cấp tỉnh và các huyện, thị xã có nhiệm vụ điều hành các hoạt động, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ địa phương chiến đấu (tiền thân của các Ban Chỉ huy tỉnh đội, huyện đội sau này), và xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu tập trung để sẵn sàng đối phó với những âm mưu mới của địch (tiền thân của bộ đội địa phương tỉnh, huyện sau này). Để tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, Tỉnh ủy đã cử một số cán bộ có khả năng công tác quân sự sang làm cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị ở các đơn vị bộ đội, từ cấp trung đội trở lên đều có chính trị viên.

Thắng lợi cách mạng Tháng Tám ở Quảng Trị đã góp phần cùng cả nước xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. LLVT tỉnh từ những đội tự vệ và lực lượng quần chúng cách mạng được vũ trang, qua thực tiễn đấu tranh trong mùa thu cách mạng năm 1945 đã hình thành, phát triển vượt bậc.

Chi đội giải phóng quân Nguyễn Thiện Thuật thành lập, Ban Tự vệ chiến đấu của tỉnh và các huyện, thị xã được hình thành, lực lượng tự vệ chiến đấu tập trung được xây dựng. Đó là sự khởi đầu của quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của LLVT tỉnh, cùng với các lực lượng cách mạng và Nhân dân gian khổ đấu tranh, làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: Khởi Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 871
Hôm qua : 1.225
Tháng 04 : 21.989
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.045.069
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04