• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành cổ Quảng Trị trong ký ức của một binh nhì

Cuộc chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, đã đi qua tròn nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn đọng lại trong ký ức những người tham chiến, trong đó có nhà điêu khắc Trần Luân Tín, người mà thời điểm đó tham gia chiến đấu với tư cách một binh nhì. Được sống và kể lại (Nxb Văn hóa - văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2014) của ông, được viết theo dạng vừa là hồi ký vừa là tự truyện, từng được Giải thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (2009-2010) và Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (2009), là viết về đất và người Quảng Trị, xoay quanh chiến dịch Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Di tích quốc gia đặc biệt Trường Bồ Đề, thị xã Quảng Trị -Ảnh:H.N.K

Một chàng sinh viên trường mỹ thuật vừa chớm bước vào tuổi đôi mươi, phải bỏ dở việc học, sau một vài tháng huấn luyện tân binh lại đi vào cái “chảo lửa” Thành Cổ, với vị trí chiến đấu là người lính thông tin thuộc Tiểu đoàn 18, Sư 325, Quân đoàn 2, chuyên đi nối đường dây hữu tuyến, nhằm bảo đảm thông tin cho chiến dịch, bất kể ngày đêm, dưới mưa bom bão đạn: “Trước mặt chúng tôi, đất còn lại một rẻo mỏng tang, sau lưng thì con sông đang mùa nước lên, nước chảy cuồn cuộn. Bây giờ, những tiếng nổ nghe chát chúa hơn, tức tối hơn, tức ngực hơn. Chạy đi nối dây phải cúi gập người rất thấp để tránh đạn thẳng của bộ binh địch.” (tr.191).“Đêm đã khuya rồi. Phía Nhan Biều, những chân bom màu cam bùng lên. Những bức tường khói lừ đừ lan rộng dưới ánh hỏa châu lạnh lẽo. Mặt sông nghiêng qua nghiêng lại, dòng nước như không còn biết chảy về hướng nào.

 

Những con sóng, một bên đen thui, một bên sáng bạc cứ nhồi dựng lên. Sông không còn giống sông một chút nào, bơi ra giữa dòng thì gặp một đoàn lính bơi ngược chiều, chắc là lính bổ sung cho Thành Cổ. Những cái mũ cối dập dình, những bọc nilong nổi lên chìm xuống cùng với những khẩu AK, B40 được buộc ngang trên đó, đạn pháo bất chợt rót xuống mặt sông. Đầu quả đạn xoáy rít trước khi đập xuống nước, rồi nổ, như nổ tung ở ngay trong ngực (…). Phía trước tôi, phía bên cạnh tôi, nghe ục… rồi ục… hai chiếc mũ cối biến mất.

 

Tôi thảng thốt: “thôi đi rồi!”. Cố nhoài người rướn lên cho thật nhanh. Lại gặp hai cái mũ cối, lại ục…ục… lại biến mất. Những người đi xuống lòng sông tự nhiên quá” (tr.134-135). Nơi đặt đầu não của bộ chỉ huy chiến dịch Trung đoàn bộ binh 95 là hầm của dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị ngập tràn không khí bi tráng: “Trong luồng sáng mờ mờ của cái miếng trời nhỏ duy nhất, tôi nhận thấy sự ngọ nguậy của một khối người. nhận ra thương binh nhờ màu trắng lổn nhổn của những cái băng trên đầu, trên tay, ở chân, ở bụng. Tất cả đều trần thủi lủi, có nhiều người cởi truồng” (…) / Bất chợt, một loạt bom dội xuống ngay bên miệng hầm, bậc thang bê tông giật qua giật lại như muốn sập. Những người thương binh trên bậc thang ùa trượt xuống”(tr.130).

 

Chỉ có thể là người trong cuộc, đã từng “trần lưng chịu đựng bom đạn, căng người lên để đánh bật những đợt phản kích của địch”, mới có thể rút ra được quy luật vận hành bủa vây tìm diệt của những trận pháo kích ở cái thị xã nhỏ như lòng bàn tay, “chỉ là một miếng đất rộng hơn hai cây số vuông” (tr.183) này, thường diễn ra như sau: “Thoạt tiên là pháo thụt. Quả đạn thụt có thể xuyên qua khoảng hai mét đất, gặp chỗ trống trong lòng đất thì nổ. Đây là loại đạn chuyên tìm hầm và xua người ra khỏi hầm (…).

 

Sau khi tin rằng đã lùa được những người ở trong hầm chạy ra, pháo chụp lập tức sầm sập ập tới. Những quả đạn nổ ở trên cao, nhiều tầng khác nhau, không cần chạm tới mặt đất. Mỗi đầu đạn phóng ra hàng ngàn cây đinh nhỏ, đinh có đuôi bốn cạnh, đầu đinh cắm ngập được vào bê tông. Rồi đến các loại pháo hạng nặng có sức công phá lớn,giết người bằng mảnh gang, bằng tiếng nổ, đặc biệt là bằng sức ép. Người có thể bị mảnh gang chặt cụt đầu, cụt tay, cụt chân ... Cũng có thể bị ép tức ngực, choáng đầu mà chết.

 

Bài đánh này thường diễn ra từ một đến hai lần trong một ngày. Thời gian còn lại dành cho pháo bầy” (tr.175-176) và các loại bom thay phiên nhau phủ kín bầu trời Quảng Trị, như bom đào, bom ngạt, bom bi, bom napal, bom rải thảm từ B.52… Không có một sức mạnh vật chất nào có thể chống chọi nổi sức mạnh sắt thép của kẻ thù. Chỉ có thể là sức mạnh tinh thần, là ý chí vì độc lập, tự do, vì nguyện vọng thống nhất đất nước, mà những người lính, những binh nhì như Trần Luân Tín mới có thể vượt qua thử thách nóng bỏng lửa đạn ấy thôi.

Trong cảnh huống những sinh tử nghiệt ngã của chiến tranh, động lực lớn giúp cho người lính vượt qua được mọi thử thách, đó chính là tình người, là tình yêu từ gia đình, quê hương, bản quán, tình đồng chí đồng đội, nhất là tấm lòng của những người dân Quảng Trị.

 

Những đồng đội đã ngã xuống như Mến, Khuây, Chữ, Hưng, Tích Minh và cả những người thoát khỏi “miền cháy, miền đất chết” (Nguyễn Minh Châu) trở về như Sồi, Hạnh, Thịnh, Huy, Lơ, Trúc, A trưởng Lâm, B trưởng Điển, C trưởng Khàn, D phó Thiềng, chính ủy Trang… và cả những người “được sống”, từng về tham dự trại viết ở Trà Liên và thành danh sau này như Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Quang Tính, Trần Phá Nhạc, Tăng Phiệt, Đinh Thế Huynh, hoặc những văn nghệ sĩ trưởng thành từ đất lửa Quảng Trị như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quốc Tiến, Trần Thanh Lâm mà tác giả gọi là “những con người giản dị và hơi lam lũ này chính là những cánh tay đòn đầu tiên của căn nhà cách mạng trên mảnh đất Quảng Trị nát tan” (tr.265).

 

Và, nhất là, những người dân quê hiền lành, chân chất như hạt lúa, củ khoai, những nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược, như cô gái giao liên ở cao điểm Cao Hy, cô gái gánh nước bên giếng vùng Cam Lộ mặc bộ đồ bà ba đen mà da thịt “như một bông sen trắng rực sáng” (tr.221), hai o du kích Cam Tuyền bắt giữ tù binh có nụ cười “rích rích” hoặc ông già làng Nhan Biều, sống cùng người bạn thủy chung là con chó vện, vì thương chó, lo cứu chó trong trận bom rải thảm mà cả người và chó đều biến mất sau trận bom. “Gạch đá còn nát tan thành bụi huống chi là thịt người” (tr.206).

 

Trong bom đạn khốc liệt ấy, một tình yêu nhú mầm sớm trong tâm hồn trong trẻo của một cô gái mười ba tuổi, tên là Sẻ, cái tên mộc mạc của làng quê Hải Lăng, với anh thương binh là lính trinh sát đơn vị 101, tên là Hoàng, nhưng đã tắt ngúm ngay trong bão dữ của chiến tranh, như lời kể của Hoàng trước dòng sông quê: “Sông Hiếu chắc đã chứng kiến nhiều câu chuyện ly kỳ hơn câu chuyện của tôi, nhưng chuyện này thì nó phải ghi vào lòng nó, không thể trôi đi được ông ạ…Hai tuần sau cái đêm ấy, căn nhà tôi đang ở không còn nữa. Một trận pháo cắn trộm từ hạm đội 7 đã dập nát căn nhà.

 

Lúc ấy tôi lên phòng khám của trạm, bà mẹ Sẻ thì đi chợ. Sẻ chết, người không còn nguyên vẹn, bọn tôi phải tìm nhặt những mẩu… Tôi như thằng tâm thần, không nghĩ được một tí gì cả, tuyệt đối rỗng tuếch (…). Thương cô bé, suốt đời tôi, Sẻ là thần thoại…”(tr.282). Sự khốc liệt, dữ dội, đậm đặc mùi thuốc súng và sự chết chóc của cuộc chiến còn đè nặng trong ký ức của tác giả, mà chắc chắn là trong những trang sách anh chưa thể diễn tả hết, theo tôi, cũng là một thần thoại, thậm chí là một huyền thoại được lưu giữ lâu bền trong ký ức nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Tác phẩm của Trần Luân Tín ra đời trong thời kỳ đổi mới, cảm quan về hiện thực được nhận thức trong một không gian thênh thang sáng rõ, trong không khí dân chủ và cởi mở, có thể dễ nhận ra trạng thái tâm lý trên con đường của người trí thức đến với cách mạng, đi vào cuộc chiến tranh, với nhiều trăn trở mà có thời, đã từng bị phê phán là tiểu tư sản, như đoạn tác giả miêu tả về cái “thành Quảng Trị là cối giã thịt người. Những xác còn nguyên không nhiều” (tr.211), tạo ra cái không khí đầy tâm trạng: “Bụi cay cay vẫn thường trực trên mặt đường, dù con đường rất vắng, bụi được rang nóng lên. Toàn bộ không gian Quảng Trị được rang nóng lên, mọi vật như sẵn sàng vụt biến thành đen thui, tắt phụt - cả tình yêu của chúng tôi và cả những ước vọng, những khát khao của tuổi trẻ.” (tr.144).

 

Biết vậy, nhưng dù phải tắt ngúm, tan biến hết cả sự sống, thế hệ các anh vẫn kiên trì theo đuổi, vì sự tồn vong của đất nước thân yêu, để “được sống và kể lại” như một lời nhắc nhở đối với thế hệ hôm nay và mai sau. Đó cũng là động lực thôi thúc tác giả cầm bút: “Nhắc nhở - đấy là tấm lòng của chúng ta đối với đất nước yêu quý này. Chẳng kể công xá, mà là nhắc nhở” (tr.210). Là người lính, đã ít nhiều từng tham chiến cùng thời với Trần Luân Tín, tôi thầm cảm ơn anh đã nói hộ chúng tôi.

 

Theo Phạm Phú Phong, Báo Quảng Trị


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 874
Hôm qua : 1.148
Tháng 03 : 22.162
Tháng trước : 94.547
Năm 2024 : 3.041.011
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04