• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị tạo thế và lực, chớp thời cơ tấn công, nổi dậy giải phóng quê hương, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

1. Đảng bộ Quảng Trị chấp hành chủ trương của Trung ương, lãnh đạo quân, dân vượt mọi gian khổ, hy sinh, tạo thế và lực, tấn công, nổi dậy giải phóng quê hương, giữ vững vùng giải phóng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị - địa đầu giới tuyến hai miền, điểm xuất phát của con đường chi viện Bắc - Nam, có Đường 9 đi qua và vùng rừng núi Trường Sơn nối liền Vĩnh Linh - hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam với Gio Linh - Cam Lộ - Hướng Hóa qua nước bạn Lào - có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đối với Mỹ - ngụy, mất Quảng Trị thì Thừa Thiên Huế - thủ phủ của miền Trung sẽ bị uy hiếp, ảnh hưởng nặng nề đến cục diện chiến trường miền Trung Trung Bộ cũng như trên toàn miền Nam, vì vậy, chúng ra sức chốt giữ vùng đất này và quyết tâm biến Quảng Trị thành phòng tuyến chống cộng vững chắc nhất. Ngay sau Hội nghị Giơnevơ, Mỹ - ngụy đã tập trung xây dựng ở Quảng Trị một lực lượng quân sự mạnh cùng với bộ máy chính quyền tay sai từ thôn, xã và một hệ thống đảng phái phản động ở hầu khắp các địa phương. Mỹ nhanh chóng sử dụng đội quân này đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Trị một cách khốc liệt, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng cách mạng. Sau chuyển quân tập kết, Quảng Trị còn 8.400 đảng viên nhưng đến cuối năm 1957, chỉ còn 306 cán bộ, đảng viên. Hai huyện Hải Lăng và Cam Lộ bị địch rà quét không còn chi bộ nào. Trước tổn thất to lớn của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đòi hỏi Tỉnh ủy - cơ quan lãnh đạo cao nhất phải kịp thời tìm ra con đường và phương thức đấu tranh thích hợp, để giữ gìn và tiếp tục xây dựng lực lượng, khi có thời cơ thì kịp thời phát động quần chúng đứng lên giành quyền làm chủ. Trong lúc tình hình hết sức căng thẳng thì Tỉnh ủy được tiếp thu bản Đề cương cách mạng miền Nam. Sự khẳng định con đường đấu tranh bằng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của Mỹ - ngụy của Đề cương cách mạng miền Nam đã tháo gỡ sự lúng túng, bế tắc về phương pháp đấu tranh, từ đó, Tỉnh ủy nêu quyết tâm khôi phục lại phong trào, trước mắt tập trung thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng căn cứ địa miền núi; khôi phục, xây dựng tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng với phương châm tinh, gọn, chú trọng chất lượng.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cán bộ, đảng viên ở khắp các địa bàn không quản nguy hiểm bám dân, bám đất, bám cơ sở, kiên trì vận động, giáo dục quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng. Đến năm 1958, năm huyện, thị đồng bằng đã khôi phục được 28 chi bộ với 160 đảng viên, 20 chi đoàn thanh niên lao động với 120 đoàn viên; phục hồi, xây dựng cơ sở ở 117 thôn với 639 nòng cốt trung kiên, lập được 17 ban cán sự thôn. Có một số thôn ở Gio Linh, Triệu Phong, ta nắm được 1/2 hoặc 3/4 số dân.
Đối với vùng miền núi, sau khi phong trào đấu tranh của nhân dân các huyện miền xuôi gặp nhiều khó khăn, tổn thất, Tỉnh ủy đã chủ trương khôi phục và gây dựng các căn cứ miền núi, làm chỗ dựa để phong trào cách mạng ở đồng bằng phát triển. Cũng nhận thấy vai trò quan trọng của địa bàn miền núi Quảng Trị, Mỹ - ngụy nhanh chóng chiếm lĩnh các địa bàn quan trọng, xây dựng bộ máy chính quyền, lập hệ thống đồn bốt liên hoàn, vững chắc với mục tiêu “quyết khống chế bằng được vùng rừng núi”. Nhưng với sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy và truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc, phong trào đấu tranh chính trị ở miền núi phát triển mạnh mẽ, phong phú và đa dạng. Từ những hầm chông, cạm bẫy được bố trí với lý do hợp pháp để chống thú rừng phá hoại mùa màng, nương rẫy, dần dần xuất hiện những bẫy chông, bẫy đá ngăn cản địch càn quét, phục kích bắn giết cán bộ, đồng bào. Các tổ du kích bán vũ trang xuất hiện, hoạt động công khai và bí mật, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị đòi quyền dân sinh, dân chủ của quần chúng. Căn cứ cách mạng ở miền núi được khôi phục và phát triển không chỉ làm chỗ dựa để Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh mà còn góp phần bảo vệ, xây dựng tuyến hành lang chiến lược Bắc - Nam và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào.


Cuộc đấu tranh cách mạng ở Quảng Trị có bước phát triển mới khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 15 Về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà. Tiếp thu chủ trương của Đảng, để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam bằng con đường bạo lực như Nghị quyết số 15 của Trung ương đã chỉ thị, Tỉnh ủy đề ra hai nhiệm vụ: tiếp tục củng cố, xây dựng căn cứ địa miền núi và khẩn trương thành lập lực lượng vũ trang. Sau quá trình chuẩn bị, hai đơn vị vũ trang với phiên hiệu 59A và 59B được thành lập. Sự ra đời của hai đơn vị vũ trang tỉnh báo hiệu sự phát triển về chất của phong trào cách mạng, là cơ sở để phát triển lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện sau này. Thời kỳ đấu tranh mang tính chất “khu đệm” đã chuyển sang bước ngoặt đấu tranh bằng sức mạnh bạo lực tổng hợp trong thế chiến lược tiến công, phù hợp với tình hình phát triển của phong trào cách mạng miền Nam. Căn cứ địa miền núi Hướng Hoá tiếp tục được củng cố, toàn huyện có 46 chi bộ với 209 đảng viên, 47 chi đoàn thanh niên lao động với hơn 200 đoàn viên, thành lập được 65 ban cán sự bản, 3 ban cán sự xã, 753 nòng cốt trung kiên.
Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời (ngày 20-12-1960), đầu năm 1961, ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Quảng Trị được thành lập, là ngọn cờ tập hợp quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai. Quân và dân Quảng Trị xốc tới, kết hợp ba mũi đấu tranh: chính trị, quân sự, binh vận trên khắp các địa phương giành thắng lợi mới.
Cuối năm 1960 đến giữa năm 1961, nhân dân Hướng Hóa dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy đã nổi dậy giành chính quyền thắng lợi, tạo thế và lực mới cho đấu tranh cách mạng toàn tỉnh. Các hoạt động vũ trang hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào phá ấp chiến lược trên khắp các địa phương và đấu tranh chính trị, binh vận ở đô thị. Đầu năm 1964, quận lỵ Ba Lòng được giải phóng và giữa năm 1964 đến đầu năm 1965, nhân dân vùng nông thôn đồng bằng Quảng Trị đã nổi dậy làm cuộc đồng khởi giành thắng lợi lớn. Quân, dân toàn tỉnh đã phá thế kìm kẹp của địch ở 236 ấp chiến lược, giải phóng gần 13 vạn dân với 4/5 đất đai. Vùng giải phóng của tỉnh mở rộng, nối liền với khu vực Vĩnh Linh và vùng giải phóng Thừa Thiên, hạ Lào, tạo thế liên hoàn giữa ba vùng: miền núi, giáp ranh và đồng bằng. Chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều thôn, xã. Các tổ chức đoàn thể cách mạng và lực lượng vũ trang được củng cố và phát triển mạnh. Hàng ngàn thanh niên thoát ly ra vùng chiến khu tham gia kháng chiến. Tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam đi qua vùng miền núi Hướng Hóa - Quảng Trị được củng cố, mở rộng, chi viện đắc lực cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ.
Trước thất bại dồn dập trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải đưa quân Mỹ và chư hầu vào tham chiến và mở cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam nói chung, quân và dân Quảng Trị nói riêng đứng trước những thử thách mới. Với ưu thế về quân số, vũ khí, phương tiện chiến tranh, trong mùa khô 1965-1966, địch đã mở 277 cuộc càn trên khắp địa bàn Quảng Trị, dùng máy bay B.52 ném bom vùng chiến khu, giáp ranh, rải chất độc hóa học, bom napan xuống miền núi Hướng Hóa. Giặc Mỹ đã gây nhiều tội ác đối với nhân dân Quảng Trị. Một số vùng giải phóng của tỉnh, trong đó có quận lỵ Ba Lòng, bị Mỹ - ngụy đánh chiếm trở lại.
Những hành động phản kích quyết liệt của địch đã làm cho nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng yêu nước không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng. Kịp thời ổn định tình hình, hội nghị Tỉnh ủy tháng 1-1966 nhận định: Địch hấp tấp đưa quân Mỹ và chư hầu đến Quảng Trị là ở trong thế bị động đối phó với bộ đội chủ lực của ta ở mặt trận Đường 9. Do đó, tuy lực lượng địch đông nhưng nông thôn đồng bằng vẫn sơ hở, tương quan lực lượng giữa ta và địch vẫn không thay đổi”. Với nhận định đúng đắn này, Tỉnh ủy chủ trương đưa phong trào cách mạng đồng bằng lên theo phương châm “hai chân”, “ba mũi giáp công”, phối hợp chặt chẽ “ba thứ quân” trên “ba vùng chiến lược” nhằm giải phóng toàn bộ nông thôn đồng bằng, đẩy mạnh phong trào đô thị, với yêu cầu làm chủ với nhiều mức độ khác nhau.
Có thể nói, trước thử thách có tính bước ngoặt, Tỉnh ủy đã thể hiện bản lĩnh cách mạng vững vàng, nhanh chóng giải quyết được vấn đề tư tưởng, lãnh đạo quân, dân phát huy truyền thống anh hùng, chủ động tiến công địch giành thắng lợi. Quân, dân Quảng Trị nêu cao quyết tâm: “Nhà tan cửa nát cũng ừ. Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”. Vì vậy trong mùa khô 1965-1966, quân, dân Quảng Trị đã đánh trên 300 trận, diệt và làm bị thương gần 4.000 tên địch.
Giữa năm 1966, Trung ương mở Mặt trận Đường 9, Quảng Trị trở thành chiến trường thu hút, giam chân và tiêu hao một bộ phận sinh lực lớn của địch, tạo điều kiện cho các chiến trường khác hoạt động (trực tiếp nhất là đồng bằng Trị - Thiên) làm cho địch đã bị động càng bị động hơn, ngăn chặn âm mưu của chúng mở rộng chiến tranh trên bộ ra miền Bắc, đặc biệt là vùng Quân khu 4. Đây là thời cơ lớn nhưng cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề cho Đảng bộ và quân, dân Quảng Trị.
Để đối phó với quân chủ lực miền Bắc, quyết giữ phòng tuyến chiến lược ngoài cùng, Mỹ - ngụy đã tăng cường lực lượng quân sự lớn ra Quảng Trị, với đội quân thường trực lên đến 15 tiểu đoàn, đóng giữ nhiều điểm cao dọc Đường 9. Địch liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, bình định, dồn nhân dân vào các trại tập trung, ấp chiến lược, tiếp tục thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” và tìm diệt lực lượng vũ trang ta. Chúng đánh phá bằng phi pháo, rải chất độc hóa học từ miền tây Vĩnh Linh đến Gio Linh, Cam Lộ lên Hướng Hóa qua biên giới Việt - Lào, phá trụi cây cối, hoa màu làm cho đồng bào miền núi lâm vào nạn đói trầm trọng. Tại vùng giới tuyến, Mỹ đã xây dựng hàng rào điện tử Mắc Namara, sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất và những đội quân khét tiếng lần đầu xuất hiện trên chiến trường với những biệt danh: “đỉa đói”, “gà tàng”, “trâu điên”, “dơi”, “nhện” với mưu đồ chặt đứt hoàn toàn con đường chi viện Bắc - Nam.
Quyết tâm thực hiện chủ trương của Trung ương, phối hợp nhịp nhàng bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang trong tỉnh tấn công mạnh mẽ, tiêu diệt bảo an, dân vệ, ác ôn và ngụy quyền thôn xã, bẻ gãy các cuộc hành quân bình định và lấn chiếm của địch, mở rộng vùng giải phóng. Thế làm chủ của quân và dân được nâng cao. Kết quả là, trong mùa khô 1966-1967, quân và dân Quảng Trị đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 13.000 tên địch (khoảng 4.000 lính Mỹ), bắn rơi và bắn cháy 105 máy bay các loại, bắn cháy và bắn hỏng 148 xe quân sự, thu 575 súng, tiêu diệt 1 tiểu khu, 1 chi khu, 19 phân chi khu quân sự, 7 vị trí, phá sập 14 cầu, 8 cống, tiêu diệt và làm tan rã khoảng 50% lực lượng địa phương quân và lực lượng bình định của địch, có 2.255 binh lính ngụy đào ngũ. Điển hình là cuộc tấn công và nổi dậy của nhân dân ba xã vùng giới tuyến, giải phóng quê hương vào đầu năm 1967, nối liền Quảng Trị với Vĩnh Linh thân yêu và trận tập kích vào thị xã Quảng Trị (vào tháng 4-1967) mở đầu cho phương thức đánh vào thị xã, thành phố trên toàn miền Nam. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quân, dân Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, làm tròn nhiệm vụ tổng công kích địch trên khắp các mặt trận, buộc địch phải phân tán lực lượng để quân, dân Thừa Thiên chiếm giữ thành phố Huế trong thời gian dài. Quân, dân Gio Linh - Cam Lộ thực hiện “trận Bạch Đằng” trên sông Hiếu, đánh chìm tàu địch, làm tắc nghẽn giao thông vận chuyển của chúng suốt một tuần lễ. Tại mặt trận Khe Sanh, nhân dân các dân tộc Hướng Hóa vượt qua khó khăn gian khổ, nhất là nạn đói do giặc Mỹ gây ra, hăng hái lên đường đi dân công phục vụ chiến dịch. Quân, dân Quảng Trị đã phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường, anh dũng suốt 170 ngày đêm, đập tan ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị, buộc chúng phải thất thủ Khe Sanh, làm tròn nhiệm vụ quan trọng đối với phong trào cách mạng miền Nam trong năm 1968 là giam chân, thu hút một bộ phận quan trọng lực lượng tinh nhuệ của địch (quân Mỹ), tạo điều kiện cho toàn miền thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt giành thắng lợi. Chiến dịch Khe Sanh - Hướng Hóa góp phần rất quan trọng làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt đánh phá miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Pari. Với chiến công này, cán bộ, đảng viên, quân và dân mặt trận Đường 9 - Quảng Trị được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.
Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường Quảng Trị cùng toàn miền Nam đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, nhưng Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh, tiếp tục sử dụng quân viễn chinh Mỹ làm chỗ dựa để ráo riết thực hiện “Học thuyết Níchxơn”, thí điểm chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Đối với chiến trường Quảng Trị, mặc dù đã chịu nhiều thất bại trong thời kỳ trước, Mỹ vẫn ngoan cố chiếm giữ để củng cố thế phòng ngự, cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc - Nam, nuôi tham vọng đánh ra vùng Quân khu 4. Vì vậy, địch vội vã tăng cường quân số và các loại phương tiện chiến tranh1, thực hiện phân tuyến, phân vùng và mở các cuộc phản kích vô cùng quyết liệt, kết hợp rải chất độc hoá học khai quang các tuyến rừng xanh, bắn phá, dội bom, cày ủi, san bằng các vùng giáp ranh ở Cam Lộ, Gio Linh nhằm đẩy bộ đội chủ lực ra khỏi địa bàn, tạo vành đai trắng chia cắt đồng bằng và miền núi, chiếm lại vùng nông thôn. Trong lúc đó, bộ đội chủ lực sau những trận đánh dài ngày đã suy yếu, chưa kịp củng cố, bổ sung, phải rút dần ra hậu phương. Phần lớn nhân dân Quảng Trị đã bị dồn vào các khu tập trung, địch lại ráo riết bình định, thanh lọc thực hiện âm mưu “tiêu diệt hoàn toàn hạ tầng cơ sở Việt cộng”. Trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, các cấp ủy Đảng vẫn kiên cường bám trụ, dựa vào nhân dân tổ chức cho lực lượng vũ trang đánh địch, tạo thế và lực mới. Tại Hải Lăng, lực lượng vũ trang dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy đã đánh địch trên 100 trận, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.700 tên địch, phá hàng trăm xe quân sự, phương tiện vận tải của địch và các đoạn đường giao thông quan trọng. Quân, dân Gio Linh - Cam Lộ liên tục đánh các đoàn bình định của địch; bao vây, bắn tỉa, đánh trả các cuộc hành quân nống ra vùng giải phóng của chúng từ căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên; phối hợp với bộ đội chủ đánh mạnh trên mặt trận Đường 9. Nhân dân các dân tộc Hướng Hoá được tuyên truyền, vận động hăng hái sản xuất, đóng góp nhiều lương thực cho cách mạng. Phong trào bắn máy bay lan rộng khắp các bản làng. Nổi bật là sự kết hợp của dân quân du kích với bộ đội địa phương đánh thắng địch ở Cô Ca Lưi, Cô Ca Va, Làng Hạ giành thắng lợi lớn, bảo vệ an toàn Khu ủy Trị - Thiên, phá tan âm mưu “tìm diệt” bộ đội chủ lực, đánh chiếm các căn cứ quan trọng tại vùng núi của địch. Song song với phong trào đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, binh vận phát triển mạnh ở nông thôn đồng bằng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 1969, toàn tỉnh có 97 cuộc đấu tranh chính trị, binh vận với nhiều hình thức phong phú. Tinh thần bám dân, bám đất của cán bộ, đảng viên đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước của quân, dân toàn tỉnh, đưa phong trào cách mạng Quảng Trị vượt qua thời kỳ đặc biệt khó khăn, dần dần tạo được thế tiến công, giành thắng lợi to lớn hơn.
Trong năm 1970, được Quân khu ủy bổ sung 700 cán bộ, chiến sĩ, phong trào cách mạng khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh hơn. Bộ đội địa phương và du kích đã đánh 314 trận, đặc biệt là phong trào du kích phát triển mạnh, đánh trúng và đánh thẳng vào lực lượng kìm kẹp của địch ở nông thôn đồng bằng, làm cho chúng lúng túng, bị động đối phó, quần chúng nhân dân phấn khởi, tin tưởng. Nhân dân vùng nông thôn đồng bằng, kể cả đồng bào trong khu tập trung đã tham gia gần 200 cuộc đấu tranh chính trị chống địch kìm kẹp, bình định, thanh lọc, đòi tự do đi lại, đòi về làng cũ làm ăn. Nhiều nơi, ngụy quyền buộc phải bồi thường thiệt hại. Mũi đấu tranh binh vận cũng phát triển mạnh. Năm 1970, có 15 vụ nội ứng làm tan rã 1.200 phòng vệ dân sự, thu 172 súng trường và tiểu liên, vận động trên 100 binh sĩ đào rã ngũ. Mặc dù so sánh lực lượng giữa ta và địch ở vùng nông thôn đồng bằng còn chênh lệch, nhưng vùng giáp ranh, ta đã cài được thế xen kẽ, đánh địch liên tục, tạo bàn đạp phát triển tiến công về miền xuôi.
ở miền núi, mặc dù máy bay địch bắn phá ác liệt, biệt kích thường xuyên quấy rối, nhân dân các dân tộc vẫn bám rẫy sản xuất. Nạn đói không chỉ bị đẩy lùi mà đồng bào còn đóng góp nuôi dưỡng 300 cán bộ vùng đồng bằng Triệu - Hải, Phong - Quảng lên căn cứ học tập; giúp đỡ nhân dân 5 xã thuộc quận 3 Thừa Thiên sơ tán ra trong thời gian dài và trồng được “20 triệu bụi sắn đánh Mỹ”.
Trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, ác liệt, hầu hết đảng viên, cán bộ đều kiên cường, dũng cảm, vượt qua muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, bám dân, bám đất đánh địch, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận, làm nhiệm vụ hậu cần tại chỗ. Nhiều đảng viên bị địch bắt vẫn kiên trung, bất khuất trước quân thù làm cho mối quan hệ giữa Đảng và dân thêm bền chặt. Đến cuối năm 1970, 5 huyện, thị xã đồng bằng có 1.297 đảng viên (503 đảng viên hợp pháp). Thế và lực của Quảng Trị đã mạnh lên, cùng bộ đội chủ lực lập công xuất sắc trong năm 1971, đập tan ý đồ leo thang chiến tranh của Mỹ - ngụy.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã làm thay đổi quan trọng thế chiến lược giữa ta và địch trên chiến trường Quảng Trị. Vùng giải phóng được củng cố vững chắc. Đường chi viện Bắc - Nam đi qua Quảng Trị thêm rộng mở. Ngụy quân, ngụy quyền hoang mang dao động mạnh. Khí thế cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lên cao. Đấu tranh chính trị, binh vận phát triển mạnh mẽ. Trước yêu cầu của thời kỳ mới, giữa năm 1971, Tỉnh ủy Quảng Trị được lập lại, tạo thêm điều kiện thuận lợi để phong trào cách mạng toàn tỉnh lên cao hơn.
Do vị trí chiến lược có tính quyết định đối với vùng chiến thuật 1 và cả chiến trường miền Nam, nên dù đã bị thất bại nặng nề trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào, Mỹ - ngụy vẫn tìm mọi cách bắt lính, dồn dân và hơn 2.000 gia đình ở Gio Linh và Cam Lộ bị đưa vào khu tập trung Câu Nhi, nhằm mở rộng vành đai trắng, ngăn chặn sự tấn công của ta.
Trước âm mưu của địch, Tỉnh ủy Quảng Trị mở hội nghị và đề ra nhiệm vụ: phải tích cực làm thay đổi tương quan lực lượng ở đồng bằng, nhất là ở thôn, xã, tạo cho được địa bàn ở nông thôn, củng cố hậu phương tỉnh, huyện; tổ chức chiến trường miền núi, tích cực sản xuất tự túc lương thực, chuẩn bị khả năng cả ba vùng cho xuân - hè 1972. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân, dân toàn tỉnh đẩy mạnh ba mũi giáp công, phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công địch khi chúng chưa kịp hồi phục. Các lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh 1.668 trận, diệt gần 5.000 tên địch, buộc chúng phải thu hẹp diện kìm kẹp quần chúng ở nông thôn, mở rộng địa bàn đứng chân ở giáp ranh, tạo thế liên hoàn giữa ba vùng đồng bằng, giáp ranh, miền núi. Đấu tranh binh vận, chính trị thu hút hàng vạn người tham gia, giành được những thắng lợi lớn. Đảng bộ, quân, dân toàn tỉnh đã tạo được thế và lực hết sức quan trọng để giành thắng lợi quyết định trong năm 1972.
Với những kết quả đã đạt được trong xuân - hè 1971, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, nhằm tạo một bước chuyển biến cơ bản, tiến lên làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải rút hết quân về nước. Sau khi phân tích tình hình chiến trường, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện vật chất cho chiến dịch, đồng thời tạo thế bất ngờ với địch, Quân ủy Trung ương quyết định chọn Trị - Thiên làm hướng chủ yếu với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng trên cả ba vùng nổi dậy, giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, có điều kiện thì kiên quyết giải phóng toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch được thành lập, các đồng chí Hồ Sĩ Thản, Trần Đồng được chỉ định tham gia, do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư.
Thấy được chiến trường Quảng Trị là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược, nên dù bị đánh nhiều, binh lực bị hao tổn nặng, Mỹ - ngụy vẫn ngoan cố, không chịu rút bỏ một điểm nào. Ngay từ cuối năm 1971, Mỹ - ngụy đã phán đoán hướng tiến công chiến lược chính năm 1972 của ta không phải là Trị - Thiên, nhưng chúng vẫn tăng cường phòng vệ, ráo riết hành quân, tung biệt kích thám báo thăm dò, phát hiện lực lượng và sự chuẩn bị của ta.
Chủ trương của Trung ương quyết tâm giải phóng Quảng Trị là niềm mong đợi bấy lâu của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Quảng Trị, vì vậy, tuy thời gian chuẩn bị gấp gáp nhưng các lực lượng vũ trang, chính trị từ tỉnh đến cơ sở vẫn trào dâng niềm tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, phát huy cao độ sự nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch, hình thành mặt trận tiến công rộng khắp nhằm tiêu diệt, làm tan rã lực lượng bảo an, dân vệ, ngụy quyền, từng bước giải phóng đất đai, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Quán triệt chủ trương của Trung ương, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và quyết định tổ chức lực lượng vũ trang địa phương tỉnh thành hai cánh:
- Cánh bắc gồm hai huyện Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Đông Hà do đồng chí Nguyễn Sanh, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Lê Mạnh Thoa, Tỉnh đội trưởng, phụ trách.
- Cánh nam gồm hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Lương, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách.
Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu mỗi cánh tùy theo nhiệm vụ, mục tiêu, tính chất của địa bàn mà chia thành cụm (khu vực) để sử dụng lực lượng, tổ chức hiệp đồng giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, binh vận, tiến công và nổi dậy, phối hợp giữa chủ lực và bộ đội địa phương nhằm giành thắng lợi cao nhất.
Ngày 19-3-1972, bộ đội địa phương tỉnh tổ chức tấn công quận lỵ Mai Lĩnh để lừa địch.
Trong lúc Mỹ và ngụy quyền tay sai còn lạc quan, tin tưởng, chưa phán đoán được hướng tiến công chủ yếu của ta thì đúng 11giờ 30 phút ngày 30-3-1972, chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị mở màn. Với những đòn tấn công dồn dập của các lực lượng vũ trang cùng sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, đến ngày 2-4-1972, toàn bộ các vị trí địch trên bốn cánh cung đông - tây - nam - bắc được mệnh danh là “Lá chắn thép”, “Pháo đài bất khả xâm phạm” và hàng rào điện tử Mắc Namara của địch đã tan tành. Hai huyện Cam Lộ, Gio Linh với hơn 10 vạn dân được hoàn toàn giải phóng1. Thắng lợi giòn giã của đợt đầu tấn công đã làm nức lòng quân, dân, thúc giục cán bộ, chiến sĩ thừa thắng xông lên giáng cho địch những đòn quyết định, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Sau đợt hoạt động tạo thế, ngày 27-4-1972, quân ta mở đợt tấn công thứ hai vào cụm Đông Hà - ái Tử - La Vang. Với sức mạnh của binh khí kỹ thuật và sự hiệp đồng binh chủng chặt chẽ, quân ta vừa đánh mạnh trên toàn tuyến, vừa tập trung diệt từng điểm, từng cụm, bao vây, chia cắt chiến dịch, bộ đội chủ lực đã đánh vỡ từng mảng tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Đến 15 giờ 30 phút ngày 28-4, toàn bộ Đông Hà - Lai Phước được giải phóng. 14 giờ ngày 30-4, ta làm chủ căn cứ ái Tử. Phối hợp chặt chẽ với các cuộc tấn công dồn dập của bộ đội chủ lực, hàng trăm cán bộ, quân dân chính ở các địa phương cũng xông xáo lao vào trận đánh. Ngày 28-4, đồng bào các xã Gio Linh và các xã bắc Triệu Phong hăng hái dùng thuyền đưa bộ đội sang sông. Bộ đội chủ lực nhanh chóng đánh chiếm Long Quang, Thanh Hội, Vĩnh Hoà. Thừa thắng, quân ta phát triển đánh chiếm các mục tiêu nằm rải rác dọc đồng bằng ven biển hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Bộ đội Cụ Hồ đi đến đâu, nhân dân phấn khởi chào đón và phối hợp đấu tranh chính trị, binh vận tới đó. Khi được tin Đông Hà - ái Tử được giải phóng, Trung đoàn 27 và các lực lượng vũ trang địa phương náo nức chuẩn bị tiến công hệ thống đồn bốt kìm kẹp hơn 10.000 dân ở Gia Đẳng. Hàng nghìn đồng bào ở các xã lân cận đốt đuốc, gõ mõ, đánh trống reo hò ủng hộ. Khí thế đấu tranh trào dâng như nước vỡ bờ. Chiều ngày 28-4, khu tập trung Gia Đẳng được giải phóng thì ngày 29-4, chi khu quân sự Triệu Phong đầu hàng. Ngày 30-4, địch ở Linh Chiểu, Phương Lang bỏ chạy. Đông Hà, ái Tử thất thủ đã làm cho địch ở thị xã Quảng Trị hoang mang cực độ, ngày 1-5, chúng bắt đầu “rút chạy có kế hoạch”. Nhưng địch đi đến đâu cũng bị đánh, chạy ngả nào cũng bị chặn. Cả đoạn đường gần 30km từ thị xã Quảng Trị đến Mỹ Chánh trở thành “đại lộ kinh hoàng” đối với quân ngụy. Cờ giải phóng tung bay trên kỳ đài Thành Cổ vào chiều ngày 1-5-1972. Ngày 2-5, chi khu quân sự Hải Lăng bị diệt. Cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Sau hơn một tháng (từ ngày 30-3 đến ngày 2-5-1972), bộ đội chủ lực và quân dân Quảng Trị đã vượt qua khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh, đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 14.350 tên địch, bắt 3.160 tên; thu, phá hủy 1.870 xe quân sự (có gần 600 xe tăng, thiết giáp), 419 khẩu pháo; bắn rơi, phá hủy 340 máy bay và rất nhiều quân trang, quân dụng khác.
 Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng là sự kiện vô cùng trọng đại. 18 năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, chịu bao tổn thất, hy sinh, cán bộ, đảng viên, nhân dân Quảng Trị với lòng tin sắt đá: “Nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”, người trước ngã, người sau tiếp bước đã giành thắng lợi oanh liệt. Mỗi người dân Quảng Trị thật sự cảm nhận sâu sắc chân lý vĩ đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị cùng quân, dân ta cả nước đã giáng cho Mỹ - ngụy một đòn chí tử. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, phá tan tuyến phòng thủ kiên cố nhất ở miền Nam Việt Nam. Cùng với chiến thắng ở Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ, thắng lợi to lớn trên mặt trận Quảng Trị đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ sụp đổ một mảng lớn. Cục diện chiến trường đã thay đổi có lợi cho ta. Thế và lực của địch đã suy yếu lại càng suy yếu thêm và không tránh khỏi ngày thất bại hoàn toàn.
 Sau ngày giải phóng, ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị đã được thành lập, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện 10 chính sách của ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh. Nhân dân Quảng Trị phấn khởi, tin tưởng, với khí thế cách mạng hào hùng đã hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, củng cố lực lượng, quyết tâm cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục chiến đấu, để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thất thủ ở Quảng Trị và nhiều địa bàn xung yếu trên chiến trường miền Nam đã làm cho ngụy quyền Sài Gòn ở trong tình thế nguy ngập, Mỹ vội vã tăng cường viện trợ, “Mỹ hoá” trở lại cuộc chiến tranh, mở cuộc tấn công quy mô lớn nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, hòng ngăn chặn hoàn toàn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam.
Được Mỹ giúp sức, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72” chiếm lại Quảng Trị, hòng xoay chuyển tình thế, phá tan cuộc tiến công sắp tới của quân và dân ta, bảo vệ cố đô Huế và cả miền Nam, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Tái chiếm được Quảng Trị sẽ là “lợi thế” để chúng gây sức ép với ta ở Hội nghị Pari, vớt vát lại uy thế chính trị đã bị suy giảm thảm hại, vực dậy tinh thần quân ngụy đang suy sụp nghiêm trọng.
Trước tình hình và nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy Quảng Trị nhận định: Thất bại của địch ở Quảng Trị là một thất bại có tính chất chiến lược, do đó, Mỹ - ngụy rất cay cú, chúng sẽ tìm hết mọi âm mưu, thủ đoạn để phản kích, nhằm phá hoại mọi thành quả mà ta đạt được, thậm chí chúng có thể đánh chiếm lại Quảng Trị. Tỉnh ủy dự kiến: Địch có thể phản kích bằng ba khả năng, trong đó khả năng quyết liệt nhất là sử dụng binh lực với quy mô sư đoàn và có thể quân Mỹ tham gia để đánh chiếm lại một số khu vực quan trọng mà trọng điểm là thị xã Quảng Trị. Tỉnh ủy nêu rõ nhiệm vụ cấp bách, nặng nề cho toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh là: Động viên và phát huy cao độ truyền thống đấu tranh, tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phi thường, đưa phong trào đấu tranh yêu nước của quân và dân trong tỉnh trở thành cao trào cách mạng để giữ vững và củng cố vùng giải phóng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước.
Đúng như dự kiến của Tỉnh ủy, từ ngày 28-6-1972, địch bắt đầu mở cuộc phản kích từ nhiều hướng vào thị xã Quảng Trị. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Níchxơn đã “yểm trợ tối đa” cho quân ngụy mở các cuộc hành quân, mà trước hết là tăng cường các vụ đánh phá bằng máy bay, pháo binh hết sức ác liệt vào vùng giải phóng. Trước yêu cầu cấp bách phải bảo vệ quê hương, Tỉnh ủy chủ trương kiên quyết phối hợp với quân chủ lực đánh bại cuộc phản kích của địch và đề ra biện pháp tập trung giữ vững thị xã Quảng Trị, nhanh chóng hình thành chiến tranh du kích sau lưng địch, tổ chức sơ tán dân của hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng về phía sau, tích cực phòng tránh, hạn chế thiệt hại.
Từ những ngày đầu tiên, cuộc chiến đấu chống địch phản kích, bảo vệ vùng giải phóng đã diễn ra quyết liệt và càng gần đến ngày 13-7-1972 (ngày nhóm họp Hội nghị Pari), các trận đánh càng gay go. Bộ đội chủ lực cùng lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức nhiều trận đánh giành thắng lợi, phá tan âm mưu đánh chiếm thị xã Quảng Trị trước ngày 13-7-1972 của địch.
Tình hình chiến sự vô cùng ác liệt, nhưng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Quảng Trị không nao núng tinh thần, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ nhân dân, đồng thời tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, tìm cách đưa đồng bào ra vùng giải phóng an toàn. 6 vạn đồng bào hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy đã vượt qua mưa bom bão đạn sơ tán ra vùng giải phóng và khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội triển khai chiến dịch.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên toàn mặt trận, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, bẻ gãy các cuộc tiến công ra vùng giải phóng của Mỹ - ngụy.
Không chiếm được thị xã Quảng Trị để mặc cả với ta tại Hội nghị Pari, Mỹ - ngụy mở cuộc tấn công mới. Lúc này, địch chi viện cho cuộc hành quân này mỗi ngày từ 102 đến 104 lần máy bay B.52, 130 đến 170 lần máy bay cường kích và 35.050 viên pháo biển, 13.500 viên pháo mặt đất. Nhưng địch cũng không thực hiện được mục tiêu: Nhanh chóng đánh chiếm thị xã Quảng Trị, sau đó tiếp tục phát triển ra ái Tử, Đông Hà, Cửa Việt ... đẩy lùi Việt cộng về vị trí trước ngày 29-3-1972. Mỹ - ngụy thay đổi hướng tấn công nhưng mục tiêu vẫn là “đánh chiếm thị xã Quảng Trị càng nhanh càng tốt”.
Sát cánh cùng bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang Quảng Trị vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, vừa phối hợp chiến đấu ở mọi lúc, mọi nơi. Bộ đội địa phương tỉnh đã có những trận đánh hiệu suất cao ở Hội Yên, Gia Đẳng, Trà Trì, Trà Lộc. Du kích hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng kiên cường bám trụ, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất vùng giải phóng. Các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa huy động cao độ lực lượng bổ sung cho các huyện, thị phía trước đánh địch. Quân, dân trên các địa bàn bất chấp bom đạn, anh dũng, xông pha phục vụ chiến đấu với niềm lạc quan, tin tưởng.
Thành Cổ Quảng Trị trở thành một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay và pháo hạm Mỹ, cũng là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc hành quân “Lam Sơn 72”. Địch ngày càng xiết chặt vòng vây xung quanh thị xã Quảng Trị. Bộ đội ta chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu quân số và trang bị nghiêm trọng. Thời tiết lại vào mùa mưa, lũ đến sớm, bom đạn địch dày đặc càng làm cho ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Nhưng các lực lượng vũ trang ta vẫn kiên cường bám trụ, với tinh thần anh dũng vô song, giành giật với địch từng tấc đất, mét hào, từng mảng tường, góc hầm, đẩy lùi hết đợt phản kích này đến đợt phản kích khác của địch từ nhiều phía. Cho đến ngày 16-9-1972, lực lượng ta rút lui về phía sau.
Tính đến ngày 16-9-1972, các lực lượng vũ trang ta đã trải qua cuộc chiến đấu liên tục 81 ngày đêm, giữ vững thị xã Quảng Trị và vùng giải phóng Quảng Trị, phá tan âm mưu “đánh chiếm thị xã Quảng Trị trước mùa mưa” để thực hiện mưu đồ chính trị và ngoại giao của Mỹ.
Tám mươi mốt ngày đêm, địch tổ chức 5 lần tấn công với quy mô lớn vào thị xã Quảng Trị và chỉ tính về thời gian, cuộc hành quân “Lam Sơn 72” của địch đã kéo dài gấp tám lần so với dự kiến ban đầu. Toàn bộ hai sư đoàn cơ động chiến lược ngụy bị thu hút vào mặt trận Quảng Trị, trong đó Lữ đoàn dù 2, bốn tiểu đoàn lính thủy đánh bộ đã bị tổn thất nặng nề. 7.756 tên địch thiệt mạng, hàng nghìn tên bị thương; hàng trăm xe quân sự, máy bay bị tiêu diệt. Nhưng địch vẫn không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Tám mươi mốt ngày đêm đứng vững ở thị xã Quảng Trị, đương đầu với cuộc đánh phá quy mô ác liệt nhất từ trước đến nay của không quân, hải quân Mỹ, với tất cả mưu mô xảo quyệt và sự tham gia của những đơn vị thiện chiến nhất của quân ngụy Sài Gòn, quân, dân Quảng Trị và bộ đội chủ lực đã viết nên bản anh hùng ca tuyệt vời về sức mạnh của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Bị thiệt hại nặng nhưng Mỹ - ngụy vẫn không từ bỏ âm mưu đánh chiếm lại vùng giải phóng Quảng Trị, cuối tháng 9-1972, chúng mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72A” đánh ra các bàn đạp ở phía đông và phía tây. Lợi dụng mùa mưa lũ, lực lượng vũ trang ta gặp muôn vàn khó khăn, địch tập trung bom pháo hủy diệt và cho bộ binh liên tục tấn công quyết chiếm bằng được các bàn đạp quan trọng. Góp phần giúp bộ đội giữ vững trận tuyến, nhân dân khu vực Vĩnh Linh và vùng giải phóng Quảng Trị hăng hái hưởng ứng phong trào “Tìm kiếm nguyên vật liệu giúp các đơn vị tuyến trước xây dựng công sự trận địa”. Mỗi bao cát, tấm tôn, thùng sắt từ Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ chuyển về tuyến trước đều nặng tình quân dân và chất chứa trong đó quyết tâm đánh thắng địch. Sự chi viện kịp thời của hậu phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang giữ vững trận địa, đánh bại mọi âm mưu tấn công lấn chiếm vùng giải phóng của địch, cao điểm là các cuộc hành quân “Sóng thần” 9, 36, 45, 18, cuối cùng là cuộc hành quân TăngôXity, giữ vững vùng giải phóng của tỉnh.
Thắng lợi tại mặt trận Quảng Trị trong năm 1972, đặc biệt là cuộc chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị đã góp phần thực hiện tích cực quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng. Cùng với những chiến công oanh liệt của cả nước, nổi bật là trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội vào cuối năm 1972, đã làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch.
Quảng Trị giải phóng là một sự kiện lớn; là mốc son mở ra thời kỳ mới, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam. Vì thế, được sự quan tâm to lớn của anh em, bè bạn quốc tế, nhiều đoàn khách nước ngoài đã thăm Quảng Trị và gửi chúc thư chính thức công nhận Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng tại huyện Cam Lộ. Điều đó càng nhân lên niềm phấn khởi, tự hào trong mỗi người dân Quảng Trị. Nhân dân vùng giải phóng hăng hái chung sức, đồng lòng khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đồng bào các địa phương hăng hái thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, làm bàn đạp vững chắc để quân, dân ta xốc tới tiến hành chiến dịch tấn công và nổi dậy giải phóng phần dân, phần đất còn lại của tỉnh và cùng nhân dân toàn miền Nam làm nên vào mùa xuân năm 1975 lịch sử.

2. Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc
a) Vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đầu cầu giới tuyến, đấu tranh anh dũng, kiên cường giành những thắng lợi to lớn. Mảnh đất Quảng Trị đã diễn ra nhiều sự kiện, trận đánh có tác động trực tiếp và quan trọng đến cục diện chiến trường miền Nam 
Sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ nhảy vào độc chiếm miền Nam, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Tính chất ác liệt, nóng bỏng của chiến trường Quảng Trị suốt cuộc chiến tranh này đã được thể hiện rõ trong tuyên bố trắng trợn của Mỹ: “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Vì lẽ đó, với những thủ đoạn thâm độc và việc tập trung cao độ phương tiện chiến tranh hiện đại, xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu, Mỹ coi Quảng Trị là tuyến phòng thủ cứng rắn nhất khu vực Đông Dương và quyết tâm chiếm giữ với bất cứ giá nào.
Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị gánh vác trọng trách to lớn: Bảo vệ Vĩnh Linh - tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm thất bại mọi chiến lược chiến tranh và sự thử nghiệm những vũ khí hiện đại của Mỹ trên đất Quảng Trị, giữ vững hành lang tiếp viện Bắc - Nam, tiếp sức cho cuộc kháng chiến của quân và dân miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Cùng với trách nhiệm lớn lao là khát vọng thống nhất đất nước hòa quyện trong niềm mong ước đoàn tụ: “Bao giờ cầu lại bắc qua. Bắc, Nam sum họp cho ta với mình”vì vậy, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã chiến đấu bằng một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi: “Nhà tan cửa nát cũng ừ. Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau!”.
Sau Hiệp định Giơnevơ, Quảng Trị trở thành một “khu đệm” trong cuộc đấu tranh thống nhất hai miền. Nhiệm vụ đặt ra cho Quảng Trị là phải đấu tranh kiên quyết buộc đối phương phải thi hành Hiệp định nhưng phải giữ được thế hợp pháp, bảo đảm cho lợi ích chung của toàn miền, đặc biệt là Liên khu V. Chấp hành chủ trương của Trung ương, Đảng bộ tỉnh đề ra phương châm công tác “ba vì, bốn chút”1 là hoàn toàn hợp lý, đồng thời trong quá trình lãnh đạo nhân dân kiên trì thực hiện đã cho thấy Quảng Trị đã sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh lợi ích cục bộ địa phương, đặt lên trên hết lợi ích chung, lợi ích toàn cục.
Trong thời kỳ khó khăn, cam go nhất, Tỉnh ủy vẫn bám trụ ở đồng bằng lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, xây dựng trong cán bộ, đảng viên một niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc; nhờ đó đã động viên, giác ngộ quần chúng nhân dân, từng bước củng cố, phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng, đưa phong trào đấu tranh chuyển từ thoái trào sang thế tiến công địch.
Suốt cuộc kháng chiến, Đảng bộ tỉnh thấm nhuần sâu sắc đường lối chiến tranh, phương pháp đấu tranh cách mạng do Đảng vạch ra, nắm bắt thời cơ, tấn công địch liên tục, giành những thắng lợi lớn, tác động trực tiếp đến cục diện chiến trường miền Nam và đó chính là đóng góp quan trọng của Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tỉnh ủy Quảng Trị đã sớm xác định vai trò quan trọng của căn cứ địa miền núi, tập trung xây dựng và phát triển làm chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng toàn tỉnh và cả miền Nam. Căn cứ địa miền núi Hướng Hoá - Quảng Trị được giữ vững đã làm thất bại âm mưu khống chế, chia cắt địa bàn chiến lược của địch, đặc biệt là âm mưu ngăn chặn sự chi viện đắc lực của miền Bắc vào miền Nam của chúng. Không chỉ xây dựng và phát triển hành lang chi viện Bắc - Nam càng rộng mở mà chúng ta còn làm tốt nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào, làm cho liên minh chiến đấu chống Mỹ của ba nước Đông Dương thêm vững chắc.
Năm 1964, phong trào đồng khởi nông thôn ở đồng bằng Quảng Trị đã giải phóng hàng chục vạn dân, phá tan hàng trăm ấp chiến lược, là một đòn đánh mạnh vào chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Một vùng giải phóng rộng lớn được mở ra nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa; tạo thế liên hoàn với Thừa Thiên Huế và các tỉnh Khu 5, với các tỉnh nước bạn Lào; chuyển phong trào kháng chiến phát triển trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng, thị xã; có tác động quan trọng đối với chiến trường miền Nam.
Từ năm 1966, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở mặt trận Đường 9. Tính chất ác liệt, nóng bỏng của chiến trường Quảng Trị càng nhân lên gấp bội bởi đây là nơi có nhiệm vụ thu hút, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn sinh lực địch, tạo điều kiện cho toàn miền đẩy mạnh phong trào đấu tranh. Từ năm 1966 đến năm 1972 là thời kỳ ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Trị. Trong cuộc chiến đấu sống còn, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân Quảng Trị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến. Bộ đội địa phương, du kích làm nhiệm vụ dẫn đường, phối hợp chiến đấu. Nhân dân các địa phương bất chấp bom đạn địch chà đi xát lại, kiên cường giữ vững sản xuất, cung cấp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm nuôi quân. Hàng ngàn dân công có mặt trên các tuyến đường miệt mài vận chuyển vật lực phục vụ chiến dịch, khiêng cáng thương binh, tử sĩ. Chính tình cảm gắn bó keo sơn giữa quân và dân trên tuyến đầu ác liệt nhất và sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và lực lượng du kích đã làm nên một Quảng Trị với những chiến công oanh liệt.
Năm 1967, ba xã giới tuyến được giải phóng, xóa bỏ sự chia cắt của Mỹ - ngụy tại vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương, tạo bàn đạp quan trọng cho ta tiến vào phía trước.
Năm 1968, kết hợp với đòn tấn công mãnh liệt của bộ đội chủ lực, quân, dân Quảng Trị tấn công, nổi dậy giải phóng hoàn toàn quận Hướng Hóa với hơn 10 vạn dân. Chiến thắng Khe Sanh - Hướng Hóa làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của Lầu Năm Góc, làm nức lòng quân và dân cả nước. Vùng giải phóng Quảng Trị được củng cố và mở rộng, tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ hành lang chi viện Bắc - Nam.
Năm 1971, Quảng Trị đã đóng góp hết sức quan trọng vào chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, bẻ gãy xương sống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; tác động trực tiếp và to lớn đến cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo đà để Quảng Trị tiến lên giải phóng quê hương.
Năm 1972, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị cùng với bộ đội chủ lực đã thực hiện được sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng: giành thắng lợi có tính quyết định trên chiến trường, giải phóng vùng đất giới tuyến, phá tan phòng tuyến chống cộng vững chắc nhất của Mỹ - ngụy. Cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, đặc biệt là 81 ngày đêm đứng vững tại Thành Cổ đã trở thành bản anh hùng ca bất tử mà nhân loại coi đó như là một sự kiện điển hình của thế kỷ XX. Lùi lại 40 năm trước, khi quân ta mở cuộc tấn công giải phóng Quảng Trị đợt 2, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu gửi mật thư tay cho Tư lệnh các vùng chiến thuật đã viết: “Từ đây (ngày 29-4) đến ngày thứ năm (ngày 4-5-1972) sắp tới, sẽ có những phiên họp mật với phía cộng sản trước khi có phiên họp công khai tiếp theo vào ngày 4-5-1972. Cố gắng của cộng sản mà chúng ta thấy đã thể hiện 2 ngày qua tại Trị - Thiên và Kon Tum là bằng mọi cách chiếm cho được các tỉnh này, đồng thời ở lại Bình Long, để có thắng lợi trên chiến trường mặc cả có lợi với ta trong các cuộc hội đàm... Đồng thời lấy đó làm chiến thắng để hoạt động có lợi về chính trị trong và ngoài nước, là lũng đoạn hàng ngũ của ta, gây hoang mang trong binh sĩ: đào ngũ, không chiến đấu nữa, v.v.. Chưa kể là các nơi chúng đã chiếm, chúng tiếp tục loan ra, còn phía chúng ta thì cũng khó phản công chiếm lại được các nơi đã mất, trong tình trạng chính trị như vậy, đối với dư luận quốc nội và quốc ngoại, chưa kể vấn đề phương diện yểm trợ của đồng minh”1. Do đó, Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho tướng lĩnh các vùng “bằng mọi giá đừng để cộng sản chiếm Trị - Thiên và Kon Tum” và nhấn mạnh đây là “vấn đề tối quan trọng” từ ngày 29-4 đến ngày 4-5-1972. Điều đó cho thấy, chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu chống địch phản kích, tái chiếm ở trong thời điểm hết sức “chiến lược” mà cả hai phía đều mong muốn có được một thắng lợi quân sự quyết định. Chính vì lẽ mà cán bộ, đảng viên, quân và dân Quảng Trị đã không tiếc máu xương, chiến đấu kiên cường, bất khuất và độc lập, tự do cho đất nước và quê hương.
Ngay từ khi tiếp nhận chủ trương của Trung ương, toàn tỉnh đã dấy lên một khí thế cách mạng sôi sục, ý chí và quyết tâm lớn lao, quyết tâm giải phóng quê hương. Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng cách mạng hăng hái trên khắp các địa bàn, phối hợp đắc lực với bộ đội chủ lực thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường. Bộ đội địa phương làm tốt nhiệm vụ đánh địch nghi binh, giữ yếu tố bất ngờ cho chiến dịch. Kể từ ngày chiến dịch mở màn (ngày 30-3-1972) đến kết thúc cuộc chiến đấu chống địch phản kích tái chiếm vùng giải phóng (ngày 31-1-1973), suốt 11 tháng chiến sự diễn ra ác liệt, dân quân du kích và đồng bào ở lại bám trụ luôn sát cánh cùng bộ đội chủ lực chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chăm sóc, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh, chôn cất tử sĩ. Nhiều trận đánh của bộ đội, du kích các địa phương đạt hiệu suất cao, “chia lửa” nhịp nhàng với bộ đội chủ lực trong chiến dịch tấn công cũng như phòng ngự. Nhiều chiến sĩ cán bộ, chiến sĩ bộ đội, du kích trở thành những tấm gương ngời sáng cổ vũ toàn quân và toàn dân nêu cao tinh thần yêu nước, xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, quê hương như đồng chí Nguyễn Xuân Cần - ủy viên Thường vụ Huyện ủy Gio Linh nữ du kích Nguyễn Thị Lan ở Đông Hà, Trung đội trưởng Hán Duy Long, chiến sĩ Phan Văn Ba (Tiểu đoàn 3), chiến sĩ pháo cối Bùi Huy Hoàng....Nhân dân vùng giải phóng ngày đêm hướng về nơi giao tranh, dốc toàn lực ra chiến trường và đóng góp tất cả những gì có được giúp bộ đội đứng vững tại trận địa. Tinh thần chiến đấu quên mình của bộ đội, du kích địa phương và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân kết hợp với những đòn tấn công mạnh mẽ, anh dũng vô song của quân chủ lực đã làm nên chiến công oanh liệt, vẻ vang trong năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị, buộc Mỹ phải tung ra con bài cuối cùng trước khi ký Hiệp định Pari - đánh phá miền Bắc mà chủ yếu là thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
Lần thứ ba trong tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Quảng Trị được chọn để đặt thủ phủ. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng, bất khuất của quân và dân cả nước, trong đó có sự hy sinh to lớn của quân và dân toàn tỉnh; khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Quảng Trị niềm vinh dự, tự hào sâu sắc.
Quân, dân Quảng Trị hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng vững mạnh, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế khi đến với vùng đất này những ngày đầu giải phóng, càng nhân lên tình cảm và sự ủng hộ nhiệt thành của nhân loại với cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, để dân tộc ta sớm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
b) Đảng bộ, quân và dân khu vực Vĩnh Linh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương của tiền tuyến lớn, đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại của kẻ thù, giữ vững đảo Cồn Cỏ, xứng đáng với danh hiệu lũy thép anh hùng
Vĩnh Linh thực hiện thắng lợi công cuộc khôi phục và phát triển sản xuất, là biểu tượng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà.
Vĩnh Linh chi viện tích cực và kịp thời cho Quảng Trị trong thời kỳ khó khăn nhất, khởi đầu của con đường chi viện Bắc - Nam và suốt cuộc kháng chiến, Sự giúp đỡ, chi viện của Vĩnh Linh đã góp phần to lớn vào những chiến công của quân, dân Quảng Trị và cả chiến trường miền Nam.
Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh khắc sâu lời căn dặn của Bác Hồ, đánh thắng địch ngay trận đầu. Với hệ thống làng hầm sâu trong lòng đất, Vĩnh Linh đã hiên ngang đứng vững dưới bom đạn ác liệt của quân thù, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại, giữ vững sản xuất và luôn sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến trong mọi hoàn cảnh. Vĩnh Linh là nơi đầu tiên bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ và đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, để ta đúc rút kinh nghiệm chiến đấu với phương tiện hiện đại bậc nhất của Hoa Kỳ. Với việc bảo vệ đảo Cồn Cỏ - hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, Vĩnh Linh đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh thực hiện kế hoạch K8, K10, sơ tán một bộ phận lớn đồng bào ra Bắc, giang tay đón nhận bà con cô bác từ phía Nam ra để tiến hành cuộc chiến đấu anh dũng nhất trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm trên mảnh đất Quảng Trị.
Với những thành tích oanh liệt, vẻ vang, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh vinh dự được Bác Hồ tám lần gửi thư khen. Đó là minh chứng sống động nhất, sự khẳng định sâu sắc nhất đóng góp của Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ sau ngày được giải phóng, Quảng Trị là nơi hội tụ nghĩa tình của cả nước, là một địa danh để nhân dân thế giới ngưỡng mộ. Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị mãi mãi không quên, mãi mãi biết ơn sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ cả nước trên mảnh đất này vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã và sẽ tiếp tục phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất, đáp ứng mong đợi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã sống, chiến đấu, công tác trên mảnh đất này.

                                                                                                                                                          Thái Vĩnh Liệu
                                                                                                                                              (Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy)

 

 

 

1. Kể từ tháng 10-1969 đến tháng 6-1970, mặc dù đã rút Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ra khỏi chiến trường Đường 9, nhưng địch tăng lực lượng địa phương quân từ 8 lên 14 đại đội, bảo an dân vệ từ 57 lên 66 trung đội, lực lượng bình định từ 8 lên 20 đội và ra sức kiện toàn hệ thống ngụy quyền các cấp.

1. Gồm cả nhân dân Hướng Hoá bị dồn về các khu tập trung ở đây.

1. Ba vì: vì bảo vệ miền Bắc, vì chiếu cố miền Nam, vì bảo vệ hòa bình. Bốn chút: sau một chút, chậm một chút, khéo một chút, nhẹ một chút (trong đấu tranh vũ trang).

1. Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ Quốc gia II - Thành phố Hồ Chí Minh. Bản sao tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 776
Hôm qua : 1.149
Tháng 04 : 21.259
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.044.339
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04