• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Paris - cánh cửa đến hòa bình

QĐND - Ngày 27-1-1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết, kết thúc cuộc đàm phán lâu nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất và thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, mở ra cánh cửa hòa bình cho đất nước sau nhiều năm chiến tranh ác liệt.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 làm lung lay ý chí muốn đè bẹp đối phương bằng sức mạnh quân sự của Mỹ, mở ra một hình thái mới của chiến tranh nhìn từ hai phía: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và cuộc chiến tranh can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là hình thái “vừa đánh, vừa đàm”.

Đầu năm 1968, sau khi Mỹ và Việt Nam đồng ý ngồi vào bàn thương lượng thì vấn đề phải giải quyết đầu tiên là họp ở đâu. Tất nhiên không phải là Washington, Hà Nội hay Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh). 8 địa điểm được Mỹ, Việt Nam và vài nước khác đưa ra, nhưng bên này đồng ý thì bên kia phản đối. Cuối cùng Việt Nam đề nghị hội nghị họp ở Paris và Mỹ đã chấp nhận.

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu.

Sở dĩ Paris là lựa chọn tuyệt vời cho phía Việt Nam bởi nhiều lý do, nhưng tựu trung lại, thủ đô nước Pháp thời điểm đó hội tụ đủ hai yếu tố địa lợi và nhân hòa. Lúc đó tại Pháp có phong trào gồm nhiều giai tầng xã hội ủng hộ hòa bình cho Việt Nam rất mạnh. Ở đây còn có cộng đồng người Việt đông đảo, tuy định cư đã lâu nhưng rất gắn bó với đất nước. Rất nhiều người Việt Nam tham gia các tổ chức, như: Hội Trí thức yêu nước, Hội Sinh viên yêu nước, Hội Người Việt yêu nước…. và các hội đó chính là “vườn ươm” lực lượng hậu thuẫn cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tham gia lễ ký có đại diện của Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, đại diện Mỹ là Ngoại trưởng William P.Rogers, đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình và đại diện cho chính quyền Sài Gòn, Tổng trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Lắm. 

Hiệp định Paris về Việt Nam có 9 chương với 23 điều khoản. Trong đó, những điều mục quan trọng nhất, gồm: Điều 1 (Chương I): "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận". Điều 3 (Chương II) mục b: "Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình". Điều 4 (Chương II): "Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam". Điều 5 (Chương II): "Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, các loại vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác".

Trong một buổi trò chuyện với báo chí, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch nước nhấn mạnh rằng: Hiệp định Paris được ký kết là kết quả của gần 5 năm đàm phán với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới. Nếu Hiệp định Paris là kết thúc cho giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm” thì đó cũng là mở đầu cho một giai đoạn đấu tranh mới để đạt được mục đích cuối cùng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của hội nghị và Hiệp định Paris bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố được cho là quan trọng nhất. Một là, có sự lãnh đạo của Đảng. Sự đúng đắn và sáng suốt thể hiện ở đường lối đàm phán, chiến lược đàm phán, đưa ra các quyết sách đúng thời điểm. Hai là, sự hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân, của chiến sĩ hai miền Nam-Bắc, đưa đến những thắng lợi quyết định trên chiến trường. Ba là, bản lĩnh và trí tuệ của những người làm đối ngoại, đặc biệt là những thành viên của đoàn đàm phán Paris.

Hiệp định Paris được ký kết tạo ra cục diện mới làm thay đổi cơ bản tương quan lực lượng để quân và dân Việt Nam có điều kiện giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, thực hiện lời mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người gửi gắm trong bài Thơ chúc Tết năm 1969: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/  Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn.

BÌNH NGUYÊN


Nguồn:Báo Quân đội nhân dân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 790
Hôm qua : 1.170
Tháng 04 : 22.834
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.045.914
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04