• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang Quảng Trị trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972

Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 là mốc son lịch sử chói lọi của quân và dân Quảng Trị, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, tạo ra khả năng mới làm thay đổi cục diện trên chiến trường toàn miền và Đông Dương. Lần đầu tiên, một tỉnh ở miền Nam, tuyến đầu rắn chắc của Mỹ - ngụy được giải phóng, nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Thắng lợi của chiến dịch năm 1972 là sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến binh chủng giữa lực lượng vũ trang tỉnh với các đơn vị chủ lực đánh tiêu diệt lớn. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm là bản anh hùng ca bất diệt về sự kiên cường, lòng dũng cảm, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971, phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Quảng Trị phát triển mạnh mẽ, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế liên hoàn, làm thay đổi thế và lực ở nông thôn, đồng bằng, vùng giáp ranh. Từ thực tiễn và xu thế phát triển ngày càng thuận lợi của chiến trường, trên cơ sở phân tích đúng đắn so sánh lực lượng giữa ta và địch, nhạy bén nắm bắt thời cơ nhằm tạo bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, quyết định chiến trường Trị - Thiên là hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Thực hiện chủ trương của trên, Đảng bộ Tư lệnh Chiến dịch tiến công Trị - Thiên (phiên hiệu B702) được thành lập, đề ra các nhiệm vụ chủ yếu: Tiêu diệt phần lớn lực lượng quân sự địch (chủ yếu là ở Quảng Trị); phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và và nổi dậy của quần chúng, đẩy mạnh công tác binh vận; tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ...; giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, trước hết là giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Trước thời cơ và nhiệm vụ cách mạng mới, quân và dân Quảng Trị đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972. Vai trò của lực lượng vũ trang tỉnh được thể hiện:

Một là, lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Trị đẩy mạnh đấu tranh toàn diện, phối hợp với bộ đội chủ lực bố trí lực lượng, tạo thế và lực vững chắc, chuẩn bị tốt cho Cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972.

Cuối năm 1971, đầu năm 1972 phong trào cách mạng của nhân dân Quảng Trị vượt qua thời kỳ khó khăn, phát triển mạnh mẽ. Bộ đội địa phương cùng du kích các xã tổ chức đánh địch liên tục, đều khắp, diệt nhiều sinh lực địch ở các căn cứ quân sự, các khu tập trung, nhiều lần đột nhập vào hang ổ ngụy quyền đánh hàng chục trận khiến kẻ thù hoang mang, dao động. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng Triệu - Hải, Gio - Cam được đẩy mạnh, hành động đòi tìm xác chồng, con, đòi trả người thân bị bắt đi lính đã nhanh chóng biến thành phong trào rộng lớn, làm cho ngụy quân, ngụy quyền rối ren, bị động. Cùng với các đợt tiến công của các đơn vị chủ lực trên chiến trường, phong trào đấu tranh của quân và dân Quảng Trị làm cho địch phải co cụm lại, diện kìm kẹp ở nông thôn, đồng bằng bị thu hẹp, ta mở rộng địa bàn đứng chân ở vùng giáp ranh, kế hoạch bình định của địch bị thất bại, hậu cứ, hành lang của ta được bảo vệ, tạo thế đứng liên hoàn, vững chắc. Đặc biệt ta đã giữ vững được các địa bàn trọng yếu, tạo nên các bàn đạp quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuẩn bị chiến trường và triển khai lực lượng cơ động đánh địch trên các hướng.

Ngày 19-3-1972, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ, quyết định tổ chức lãnh đạo, chỉ huy sử dụng lực lượng vũ trang địa phương tỉnh chia làm hai cánh:

Cánh bắc gồm hai huyện Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Đông Hà do đồng chí Nguyễn Sanh, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Lê Mạnh Thoa, Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy, sử dụng các đại đội địa phương của các huyện có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt Trung đoàn 57 và Trung đoàn 2 bộ binh (thuộc Sư đoàn 3 ngụy) ở điểm cao 544, Đồi Tròn, Động Mã, Cồn Tiên, Quán Ngang. Sau khi tiêu diệt các mục tiêu nói trên nhanh chóng chuyển sang bao vây, tiến công cụm cứ điểm Đông Hà, kiên quyết không cho địch co cụm, đối phó. Tiểu đoàn 47 bộ đội địa phương khu vực Vĩnh Linh lúc này cùng tham gia phối hợp với các lực lượng chủ lực trên hướng đông (từ Hoàng Hà, Mai Xá lên ngã ba Gia Độ) có nhiệm vụ bao vây Dốc Miếu, Quán Ngang, tiêu diệt căn cứ hải thuyền ở nam Cửa Việt, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương Gio Linh tiêu diệt và làm tan rã lực lượng kìm kẹp của địch, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương.

Cánh nam gồm hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Lương, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách, sử dụng Tiểu đoàn 8, 10, 14 bộ đội địa phương phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực có nhiệm vụ tiêu diệt địch ở nam, bắc sông Thạch Hãn, chủ yếu là khu vực Phượng Hoàng, Động Ông Do, đoạn quốc lộ 1 phía bắc sông Mỹ Chánh, thực hiện việc chia cắt địch, hỗ trợ nhân dân hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ.

Lực lượng vũ trang tỉnh được bổ sung, phát triển, mỗi cánh tùy theo nhiệm vụ, mục tiêu, tính chất của địa bàn để sử dụng các lực lượng theo kế hoạch tác chiến bao gồm: lực lượng an ninh, các đại đội binh chủng ( đặc công, pháo binh, công binh, thông tin, trinh sát, đặc công... ), các đại đội được Bộ Tư lệnh Mặt trận điều từ các tỉnh miền Bắc vào tăng cường cho chiến dịch. Cơ quan huyện đội được kiện toàn, mỗi huyện có một đại đội bộ binh và các tổ binh chủng; mỗi xã có Ban Chỉ huy xã đội, thôn đội, lực lượng du kích có một trung đội; mỗi thôn có từ một đến hai tiểu đội, được trang bị các loại súng AK, CKC, trung liên, đại liên, 12,7 ly, cối 60 ly. Lực lượng bộ đội địa phương, du kích và nhân dân các huyện đã hỗ trợ các đơn vị chủ lực bí mật hành quân, triển khai lực lượng, sẵn sàng cơ động tiến công địch trên các hướng. Ngoài ra, nhằm bảo đảm tốt công tác hậu cần, các địa phương như Quảng Bình, Vĩnh Linh đã huy động lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công vận chuyển hàng hóa, vũ khí trang bị, phương tiện chi viện kịp thời cho chiến trường Quảng Trị.

Hai là, lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Trị hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực tiến công mạnh mẽ, đánh tiêu diệt lớn, làm nòng cốt cho quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh giải phóng quê hương.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị, phối hợp với mặt trận Thừa Thiên nổ súng nghi binh chiến dịch. Đêm 19-3-1972, lực lượng vũ trang tỉnh tiến công quận lỵ Mai Lĩnh để lừa địch.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-3-1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch phát lệnh tấn công, pháo binh của ta đồng loạt bắn vào các mục tiêu Dốc Miếu, Dốc Sỏi, Cồn Tiên, miếu Bái Sơn, Đồi Tròn, Đầu Mầu, Mai Lộc, Tân Lâm, Động Toàn, Đông Hà, Cam Lộ, ái Tử… Lực lượng vũ trang Quảng Trị phối hợp hiệp đồng tác chiến với các lực lượng tiến công bao vây, tiêu diệt 5 căn cứ quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở Động Toàn, Ba Hồ, các cao điểm 544, 288, 365.

Ngày 31-3-1972, ở cánh bắc, lực lượng vũ trang và nhân dân hai huyện Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Đông Hà phối hợp với bộ đội chủ lực đồng loạt tiến công vào chi khu quân sự Gio Linh ở Quán Ngang, các đơn vị bảo an, dân vệ ở Cửa Việt, Gio Lễ, Cùa, Cam Thanh... tiêu diệt từng ổ đề kháng, từng lô cốt, xiết chặt vòng vây. Trước sức tấn công nhanh, mạnh và quyết liệt của ta, lực lượng bảo an, dân vệ của địch tan rã nhanh chóng, hệ thống kìm kẹp của địch mất chỗ dựa, sụp đổ hoàn toàn. Các xã Gio Hà, khu tập trung Quán Ngang, Cửa Việt, Cùa, Gio Lễ tuy chưa có đòn chủ lực của ta áp đảo nhưng lực lượng du kích ở đây đã chớp thời cơ nổi dậy diệt địch, giải phóng quê hương. ở vùng Cùa, lực lượng cách mạng đã vận động được 3 trung đội dân vệ (khoảng 200 người, phần lớn là người Vân Kiều, Pa Cô) nổi dậy làm binh biến khởi nghĩa, kêu gọi gần 4.500 đồng bào thượng du vùng lên đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, kéo nhau trở về bản cũ. Cùng ngày, lực lượng cách mạng ở khu vực Ba Lòng đã vận động được 14 lính ngụy ra đầu thú, tuyển chọn thanh niên lập đội vũ trang của xã, thành lập chính quyền cách mạng.

Tại Dốc Miếu, từ đêm 30-3 đến 10 giờ ngày 31-3-1972, du kích các xã Trung Hải, Trung Giang sử dụng hỏa lực tiến công dữ dội vào các lô cốt, hầm ngầm của địch làm cho tiểu đoàn địch chốt giữ căn cứ này bị tiêu hao nặng nề, buộc chúng phải tháo chạy. Toàn bộ trận địa pháo của địch đã bị ta hủy diệt hoàn toàn. Sáng ngày 1-4-1972, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh Dốc Miếu. Cùng thời điểm trên, lực lượng địch chốt giữ ở Cồn Tiên do quá hoảng loạn và bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc tập kích bằng hỏa lực “Bão táp 1” của ta đã không chờ lệnh cấp trên, bí mật bỏ trận địa phòng thủ rút chạy, để lại toàn bộ xe pháo, đạn dược, phương tiện chiến tranh. Chỉ trong 3 ngày từ ngày 31-3-1972 đến ngày 2-4-1972, toàn bộ hệ thống phòng ngự vững chắc của địch ở Cửa Việt - Quán Ngang - Cồn Tiên - Dốc Miếu - cứ điểm 544 - 241 - Động Toàn bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Sáng ngày 2-4-1972, ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Gio Linh và 14 giờ cùng ngày giải phóng hoàn toàn huyện Cam Lộ. Như vậy, tính đến ngày 4-4-1972, toàn bộ tuyến phòng thủ Đường 9 - bắc Quảng Trị được mệnh danh là “lá chắn thép”, “pháo đài bất khả xâm phạm” bị xóa sạch.

Từ ngày 12 đến ngày 25-4-1972, trên hướng Đông Hà, du kích Cam Giang, Cam Thanh, vạn đò và bộ đội địa phương tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực vượt sông Hiếu (ở phía tây cầu Sắt) tổ chức các trận tập kích tiêu hao lực lượng bộ binh và xe tăng địch ở Tây Trì, chùa Tám Mái và cầu Đông Hà. Trên hướng ái Tử, quân và dân Triệu Phong, thị xã Quảng Trị phối hợp với bộ đội chủ lực đánh một số trận vào An Đôn, Nhan Biều, áp sát cầu Quảng Trị. Cùng thời điểm này, quân và dân trong vùng địch chiếm đóng tiến hành các hoạt động đấu tranh cách mạng, chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, tổ chức trinh sát thực địa, chuẩn bị chiến trường, từng bước cơ động triển khai và bố trí lực lượng đánh địch. Sau một thời gian hoạt động tạo thế, ta đã nắm chắc quy luật, tìm ra bí quyết chiến thuật “phòng thủ cứng” của địch, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị bước vào đợt tiến công mới.

Sáng ngày 28-4-1972, các trận địa pháo binh của ta đồng loạt bắn vào trận địa. Bốn cụm mục tiêu Đông Hà, ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị chìm trong khói lửa. 5 giờ 15 phút, lực lượng du kích Cam Giang, Cam Thanh, Triệu Lương, Triệu Lễ, vạn đò Đông Hà phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tiến công quy mô lớn vào cụm cứ điểm Đông Hà. Bằng sự mưu trí dũng cảm, lực lượng du kích đã khéo léo luồn lách dẫn bộ đội đánh trúng các vị trí cố thủ của địch. Tiêu biểu là tấm gương nữ du kích Nguyễn Thị Dưỡng (út Lan) đã anh dũng hy sinh khi dẫn đoàn xe tăng của ta từ hướng tây tiến vào Thị xã. Du kích Triệu Lễ phối hợp với bộ đội đột nhập vào làng Trung Chỉ, diệt 100 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng. Du kích Triệu Lương, Triệu Lễ phối hợp với bộ đội công binh phá sập cầu Lai Phước, cắt đứt đường rút lui của địch ở hướng Đông Hà - ái Tử theo Quốc lộ 1, buộc chúng phải bỏ cả xe tăng, thiết giáp chạy bộ vượt sông Thạch Hãn. Đúng 15 giờ cùng ngày, toàn bộ Đông Hà được giải phóng.

Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của quân và dân ta, địch co cụm về thị xã Quảng Trị, La Vang, Mỹ Chánh. Mặt khác, lực lượng vũ trang tỉnh nhanh chóng triển khai đánh một số đồn bốt dọc đường 68, phát động quần chúng nổi dậy, truy bắt tàn binh, ác ôn, chỉ điểm. Nhiều nơi ở Triệu Phong, Hải Lăng bộ đội và nhân dân vây ép các đồn buộc bảo an, dân vệ ra đầu hàng. Các thôn xã vừa được giải phóng tổ chức tiếp nhận giáo dục ngụy quân, ngụy quyền đầu thú, triệt phá bộ máy chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng.
Thừa thắng, lực lượng vũ trang Quảng Trị cùng với bộ đội chủ lực tiếp tục truy đuổi địch trên toàn mặt trận. Ngày 1-5-1972, cờ giải phóng đã phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng Quảng Trị, toàn bộ quân địch bị quét sạch, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Sau hai đợt tiến công và nổi dậy mãnh liệt từ ngày 30-3-1972 đến ngày 1-5-1972, quân và dân Quảng Trị đã cùng với bộ đội chủ lực quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Lao Bảo - Khe Sanh đến Cửa Việt. Lực lượng vũ trang tỉnh đã độc lập chiến đấu 36 trận, tiêu diệt 211 tên địch, bắt sống 2.600 tên, thu 3.800 súng các loại, 1.000 tấn lương thực, 5 tấn tài liệu, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự và bộ máy ngụy quyền từ thôn, xã đến tỉnh, giải phóng 30 vạn dân, thiết lập chính quyền cách mạng.

Ba là, lực lượng vũ trang Quảng Trị kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng chống địch phản kích, 81 ngày đêm giữ vững Thành Cổ.

a) Quân và dân Quảng Trị chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng đánh bại địch phản kích       

Sau khi quê hương được giải phóng, Tỉnh đội Quảng Trị được Bộ Tư lệnh Chiến dịch biên chế bổ sung Tiểu đoàn 3 (phiên hiệu K3 - Đoàn Tam Đảo) vào ngày 12-6-1972. Tỉnh đội đã tiến hành điều chỉnh bố trí các đơn vị phù hợp với nhiệm vụ mới, vừa làm nòng cốt trong phòng thủ khu vực, vừa xây dựng làng xã chiến đấu, phát triển lực lượng dân quân du kích. Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương tỉnh được bố trí tại thị xã Quảng Trị; Tiểu đoàn 14 được bố trí tại cảng Cửa Việt; Tiểu đoàn 10 được bố trí tại vùng cảng Mỹ Thủy - Diên Sanh. Các huyện Gio Linh, Cam Lộ, thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị mỗi nơi có 1 đại đội bộ đội địa phương. Hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong mỗi nơi có 2 đại đội. Tất cả các đơn vị bộ đội địa phương đều được bổ sung quân số, vũ khí trang bị, trong đó có 2.000 thanh niên của tỉnh mới được tuyển chọn bổ sung vào bộ đội địa phương tỉnh. Mỗi xã ở vùng đồng bằng tổ chức trung đội du kích tập trung, toàn tỉnh có 1.512 du kích xã, 3.266 du kích thôn, 1.048 dân quân. Đi đôi với việc củng cố, xây dựng, phát triển lực lượng, Tỉnh đội phát động quần chúng làm hầm hào, công sự, xây dựng làng, xã chiến đấu, cụm chiến đấu trọng điểm. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân đã đào được 17.212 hầm, công sự; 34.404 mét giao thông hào. Hệ thống an ninh được khẩn trương củng cố, xây dựng, toàn tỉnh có 315 cán bộ chiến sĩ an ninh vũ trang huyện, thị và mạng lưới an ninh cơ sở.
Trước yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 10-6-1972, Tỉnh ủy họp nhận định: “Thất bại của địch ở Quảng Trị là một thất bại có ý nghĩa chiến lược, do đó, Mỹ - ngụy rất cay cú. Chúng sẽ tìm hết mọi âm mưu, thủ đoạn để phản kích, nhằm phá hoại mọi thành quả mà ta đạt được, thậm chí chúng có thể đánh chiếm lại Quảng Trị”.

Cuối tháng 6-1972, trước yêu cầu cấp bách phải bảo vệ quê hương mới giải phóng, Tỉnh ủy chủ trương: “Kiên quyết phối hợp với bộ đội chủ lực đánh bại cuộc phản kích của địch” và đề ra biện pháp tập trung giữ vững thị xã Quảng Trị, nhanh chóng hình thành chiến tranh du kích sau lưng địch, tổ chức sơ tán nhân dân của hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong về phía sau, tích cực phòng tránh, hạn chế thiệt hại. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, trong một thời gian ngắn, các cấp ủy, cán bộ, bộ đội và du kích các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Cam Lộ đã khẩn trương đưa được 8 vạn dân Thị xã và hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, là những địa bàn địch đánh phá ác liệt, đến các nơi an toàn hơn, sau đó đưa phần lớn đồng bào ra Vĩnh Linh; cùng với nhân dân trong huyện thực hiện tốt phong trào bám trụ tại chỗ, làm hầm hào phòng tránh, xây dựng làng chiến đấu và công sự chiến đấu.

b) Lực lượng vũ trang Quảng Trị sát cánh cùng bộ đội chủ lực vượt mọi gian khổ, hy sinh, anh dũng chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, góp phần buộc Mỹ phải đi đến việc ký kết Hiệp định Pari (năm 1973) 

Đúng như nhận định, sau thời gian chuẩn bị, sáng sớm ngày 28-6-1972, từ tuyến xuất phát đông Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch mở cuộc phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72”. Chúng kết hợp tiến công đường bộ (đường số 1 và 68) với đổ bộ đường không (nam sông Nhùng, Cổ Lũy) và đường biển (Thuận Đầu) từ nhiều hướng tiến đánh các chốt của ta trên đường tới Thị xã.  Với tham vọng và nỗ lực rất lớn của cả Mỹ lẫn chính quyền Sài Gòn, mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là thị xã Quảng Trị và Thành Cổ trở thành mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong 81 ngày đêm lịch sử.

Để đối phó với cuộc phản kích quy mô lớn của địch, tại khu vực thị xã Quảng Trị, Tỉnh đội đã bổ sung quân số đầy đủ cho Tiểu đoàn bộ binh 8, Tiểu đoàn bộ binh 3 và Đại đội 32 của Thị xã, cùng một số du kích tập trung, cán bộ cơ sở phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực bảo vệ địa bàn. Tiểu đoàn 10 đặc công của tỉnh và các đại đội bộ đội địa phương Hải Lăng cùng với du kích các xã bám trụ địa bàn, tích cực hoạt động ở vùng địch đã tràn qua, xây dựng phong trào chiến tranh du kích sau lưng địch. Tiểu đoàn bộ binh 14, với nhiệm vụ chủ yếu là cùng bộ đội chủ lực chốt giữ khu vực Cửa Việt, đồng thời cùng với cán bộ cơ sở vận động, tổ chức sơ tán nhân dân về phía sau.

Cuộc đánh trả địch phản công của quân và dân Quảng Trị cùng với bộ đội chủ lực trên mặt trận Quảng Trị quyết liệt ngay từ những ngày đầu. Sau khi chiếm được một số địa bàn có lợi, địch chuyển sang tấn công vào Thị xã. Trong suốt thời gian từ ngày 4-7-1972 đến ngày 27-7-1972, địch đã nhiều lần tấn công vào các trận địa của ta nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt. Tiểu đoàn 14 của tỉnh phối hợp với du kích tại chỗ đánh địch ở tuyến các làng Ngô Xá, Cu Hoan, Trà Trì, Trà Lộc. Ngày 22-7-1972, địch đổ bộ bằng trực thăng xuống bắc sông Vĩnh Định đã bị lực lượng vũ trang tỉnh cùng với bộ đội chủ lực đánh thiệt hại nặng.

Kết quả hình ảnh cho quang tri 1972

 Sau 20 ngày tiến công vào Thị xã, địch chỉ lấn thêm đến làng Tri Bưu, làng Cổ Thành và khu vực chợ Sãi. Với ý chí “còn người là còn trận địa”, “K3 Tam Đảo còn - Thành Cổ Quảng Trị còn” cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 chốt giữ trong thành đã đánh bật một bộ phận địch mò đến sát đông nam Thành. Nhiều tên liều chết tìm cách leo lên bờ Thành cắm cờ liền bị Tiểu đoàn 3 tiêu diệt.

Ở phía nam tỉnh, trong vùng địch tràn qua, chiến tranh du kích đang lan rộng. Lực lượng vũ trang tỉnh có những trận đánh tốt ở Hội Yên, Gia Đẳng (Tiểu đoàn 10), ở Trà Trì, Trà Lộc (Tiểu đoàn 14), đánh sập cầu Hội Yên, Ngô Xá Đông, cầu Ba Bến trên tỉnh lộ 68 (Đại đội 24 công binh). Du kích Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Thượng... đã đánh địch bằng súng bộ binh, chông bẫy. Cũng tại đây, du kích và cán bộ cơ sở đã không quản hy sinh, gian khổ lăn lộn dưới bom đạn, trong đêm tối đến từng nhà, từng đoạn hầm, hào vận động thuyết phục và tổ chức dân đi sơ tán. Kiên trì và nhẫn nại, hết đêm này qua đêm khác len lỏi vượt qua đội hình dày đặc của địch, cán bộ, du kích quyết tìm cho được từng người già, phụ nữ, trẻ em còn kẹt lại về tuyến sau (Vĩnh Linh) an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến sĩ và du kích an tâm ở lại chiến đấu.

Trong suốt tháng 8-1972, địch sử dụng lính thủy quân lục chiến và lính dù, ba lần tiến quân vào Thị xã. Phần lớn khu vực ngoại vi đã mất, lực lượng vũ trang tỉnh cùng kề vai sát cánh với bộ đội chủ lực ở lại Thị xã ngày đêm chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù. Có ngày địch đã trút xuống mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 quả đạn pháo, hàng ngàn tấn bom. Tất cả các xã vòng cung bao quanh Thành Cổ ở phía Bắc đều chịu đựng từ 100 đến 140 phi vụ B.52, xã ít nhất cũng phải chịu 10 lần phi vụ B.52 đánh phá. Tính bình quân mỗi người dân phải chịu 250 quả đạn pháo. Do hỏa lực của địch quá mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9 đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong lòng thị xã Quảng Trị và Thành Cổ. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường. Thời tiết lúc này không thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả Thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó, địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta. Các chiến sĩ của ta vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã nên sức khoẻ giảm sút, thương vong ngày càng lớn. Trước tình hình đó, ngày 16-9-1972, Quân ủy Trung ương đã ra lệnh rút toàn bộ quân sang bờ bắc sông Thạch Hãn để bảo toàn lực lượng, kết thúc 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng kiên cường.

Từ trong ác liệt của cuộc chiến đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng. Tiểu đoàn 10 đặc công, Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 3, Trung đội trưởng Hán Duy Long (Tiểu đoàn 3) được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến sĩ Phan Văn Ba (Tiểu đoàn 3) bị thương nát một bàn tay vẫn kiên quyết xin ở lại chiến đấu. Pháo thủ súng cối Bùi Huy Hoàng bắn liên tục 60 quả, tay bị phỏng rộp, lại bị địch phản pháo vào trận địa vẫn không nao núng, liên tục chiến đấu. Nữ cán bộ cơ sở của Thị xã Phan Thị Hồng vừa gan góc bám trụ chiến đấu, vừa mưu trí dẫn đường cho chủ lực đánh địch, lại còn bảo đảm liên lạc, đưa đón các đơn vị ra vào thay thế quân giữa vòng vây và bom đạn của địch. Du kích và nhân dân các xã Triệu Thượng, Triệu Lễ, Triệu ái sát cánh cùng bộ đội trong những trận đánh rất ác liệt vào Thị xã. Dưới bom đạn ác liệt, nhân dân Triệu Trạch tự dỡ nhà mình làm công sự cho bộ đội, tham gia tiếp tế đạn, lương thực, giữ vững mạch máu giao liên với Thị xã trong mùa lũ lớn, mưa to và địch thường xuyên phong tỏa. Ngư dân ven biển, ven sông đưa hết thuyền bè, chặt thêm tre, chuối, kết bè mảng giúp bộ đội vượt sông. Các huyện phía sau như Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đến Hướng Hóa đều huy động tối đa người và vật chất bổ sung cho cuộc chiến đấu giữa Thành Cổ.

Cuộc chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm. Từ một thị xã nhỏ ít ai biết đến, Quảng Trị đã trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước và thế giới bởi tính chất hung bạo của kẻ thù và tinh thần anh dũng vô song của đồng bào, chiến sĩ ta, trong đó có một phần không nhỏ của quân và dân tỉnh Quảng Trị. Địch đã huy động vào đây những sư đoàn thiện chiến nhất, những đơn vị binh chủng được trang bị tối tân, hiện đại nhất, lại được quân Mỹ chi viện tối đa về hoả lực với khối lượng bom đạn tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống  Hirôsima của Nhật Bản. Nhưng lực lượng vũ trang tỉnh cùng với bộ đội chủ lực đã làm chủ Thị xã trong một thời gian dài, diệt hơn 24.000 tên địch, phần lớn là quân dù và thủy quân lục chiến, bắn rơi 180 máy bay, phá hủy 140 xe quân sự (có 90 xe tăng, xe bọc thép; 20 khẩu pháo cùng nhiều đồ dùng quân sự khác). Riêng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị, từ ngày 28-6 đến ngày 16-9-1972 đã đánh 642 trận, diệt 6.604 tên, bắn rơi 28 máy bay, bắn cháy 29 xe quân sự, thu và phá hủy nhiều quân trang, quân dụng khác. Trong cuộc chiến đấu vì sự sinh tồn của dân tộc, máu xương của những người con anh dũng của Tổ quốc nằm xuống Thành Cổ đã góp phần to lớn buộc đế quốc Mỹ phải đi đến ký kết Hiệp định Pari (năm 1973), chấm dứt can thiệp quân sự vào Việt Nam.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị là chiến dịch lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng tạo nên sự thay đổi về cục diện trên chiến trường, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn “đánh cho ngụy nhào”, thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 mãi mãi là bài học vô giá về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, về phát huy sức mạnh đoàn kết, hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương với bộ đội chủ lực và các lực lượng an ninh, bộ đội biên phòng tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đánh thắng kẻ thù xâm lược./.

                                                                                                                                Thiếu tướng Nguyễn Chí Hướng
                                                                            (Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4 - Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Trị)

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 887
Hôm qua : 1.170
Tháng 04 : 22.931
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.046.011
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04