• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGƯỜI CON GÁI TRUNG KIÊN QUÊ HƯƠNG HẢI LĂNG

Trong phần đề tựa của cuốn “Ô châu cận lục”, Dương Văn An đã viết: “Có trời đất ấy tất có núi sông ấy, có núi sông ấy tất có nhân vật ấy vậy. Khi trời đất đã hình thành thì núi sông mới xuất hiện. Núi dựng sông tuôn rồi con người mới sinh. Không có núi sông thì không rõ công kiến tạo của trời đất. Không có cuộc sống thì không thấy khí thiêng chung đúc của núi sông”. 

Sông núi là đất nước, là giang sơn, là địa linh, là khí thiêng và là biểu trưng văn hóa của một vùng, miền, quốc gia.Và chính sông núi đã hình thành nên khí phách của người dân trong vùng. Sông núi của huyện Hải Lăng - miền đất mang hình hài của người thiếu nữ đang xuân với mái đầu biếc xanh gối lên dãy Trường Sơn hùng vỹ, thân mềm mại như dãi lụa đào giữa những vùng phù sa tươi tốt phì nhiêu bên sông Ô Lâu, sông Nhùng, sông Vĩnh Định và chân chạm sóng biển Đông đã sản sinh ra những người con ưu tú, trung kiên của quê hương, đất nước. Nữ Anh hùng Liệt sỹ Lê Thị Tuyết là một người con như vậy.

Chị Lê Thị Tuyết hy sinh cách đây đã tròn 50 năm, nhưng hình ảnh đôi mắt đen láy và sự gan dạ, trung kiên trước sự tàn ác của kẻ thù đối với chị vẫn in đậm trong tâm trí của người dân trong vùng. Chị sinh năm 1949, tại thôn Duân Kinh, xã Hải Xuân, Hải Lăng, sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có bố là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Được thừa hưởng tinh thần yêu nước từ gia đình và truyền thống cách mạng của quê hương nên năm 16 tuổi chị đã thoát ly gia đình đi làm du kích hoạt động trong vành đai chiếm đóng của Mỹ - Ngụy. Năm 1963, ở lứa tuổi thiếu niên, được sự dìu dắt, giáo dục và giác ngộ, chị Lê Thị Tuyết đã tham gia hoạt động bí mật, tạo đường dây liên lạc nuôi giấu cán bộ nằm vùng.

Năm 1965, chị Lê Thị Tuyết tham gia du kích cùng lực lượng vũ trang huyện, kiên cường bám trụ chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt một bộ phận quân địch đóng trên địa bàn. Bản thân chị đã mưu trí dũng cảm chiến đấu, diệt được 4 tên. Sau đó Lê Thị Tuyết được điều lên Huyện đội đi học y tá. Năm 1967, chị là y tá của Huyện đội Hải Lăng. Chị là người thường xuyên có mặt tại khu vực rú Thi Ông, nơi vùng trằm lầy lội bên các cửa sông Vĩnh Định, Ô Lâu và những doi cát cây rừng nguyên sinh bao bọc. Rú Thi Ông được coi là hậu cứ và là nơi rút lui của du kích, bộ đội, thương binh sau các cuộc chiến đấu trong lòng địch.

Trước tình hình địch ráo riết với các hình thức âm mưu thủ đoạn man rợ để đàn áp dân lành vô tội, chị đã sáng ngời lên với nhiều phẩm chất cao đẹp vừa chăm sóc cho những anh em thương binh, vừa chăm lo cho hàng trăm trường hợp dân thường bị nạn. Tại bến Thi Ông chị Tuyết đã bị bắt. Kẻ thù tra tấn chị hết sức dã man buộc chị phải chỉ hầm giấu cán bộ và nuôi dưỡng thương binh. Bà Lê Thị Huê - người hàng xóm năm xưa, người cầm trên tay lá gan thứ 11 của chị kể lại: Hồi đó, tôi 22 tuổi, vào một ngày tháng 7 năm 1968, khi nghe tin bọn lính thủy đánh bộ Tiểu đoàn 4 ngụy đi càn các xã vùng ven dọc theo sông Vĩnh Định với mục đích tìm ra cho bằng được căn cứ cách mạng, lúc bấy giờ du kích trong làng Duân Kinh đều phải tạm lánh đi nơi khác, tôi vẫn ở nhà vì nghĩ mình chỉ là một người dân bình thường. Nhưng tôi đâu có ngờ rằng khoảng 8h sáng tụi lính xộc vô nhà bắt tôi dẫn đi khắp làng, đầu trần manh trụi không quần áo che thân. Ra đến bờ sông thì tôi thấy một tốp khác đang tra khảo O Tuyết (chị Lê Thị Tuyết) cũng giống như tôi, nằm bệt giữa bùn, chân trong bờ cỏ, đầu chúc ra ngoài, tóc xòa trong nước như rong bám mép sông. Một tên lính vừa cầm xô chửi tục vừa xối nước xà phòng trộn ớt bột vào miệng chị Tuyết khiến bọt xà phòng sủi trào phủ kín hết mặt, sặc sụa lúc tỉnh lúc mê. Nhưng chị vẫn nhất định không khai báo, vẫn một lòng trung thành với cách mạng, với kháng chiến. Đỗ nước xà phòng chán chúng lại dẫn 2 chị em vào xóm đốt nhà nhưng vẫn không thu được điều gì khiến bọn chúng thêm cay cú và tức giận. Mọi trò tra tấn man rợ chúng đều sử dụng nhưng tất cả đều bất thành trước ý chí và lòng kiên định, tình yêu nước của những người chiến sĩ cộng sản trung kiên này. Gượng người trong đau đớn, rồi nói: Em không khai chi hết. Nếu sống được nhờ chị về nói mạ em gởi cho em bộ quần áo. Còn nếu chết thì thôi !”. Không chỉ bà Huê mà còn rất nhiều bà con trong vùng vẫn nhớ mãi hình ảnh của chị Tuyết dưới đế giày của giặc: Mỗi lần xối nước, tụi nó đứng lên bụng dận xuống, nước xà phòng ớt thành 2 vòi chảy ngược qua cửa miệng.

Không thể khuất phục người con gái trung kiên, chiều 5-7-1968, bọn lính đã trói chị vào cây mít ở một góc sân nhà thờ bỏ hoang rồi chúng cắt vú, xẻo tai, mổ bụng, moi gan… và hất xác chôn đứng chị trong một cái hố đào sẵn bên cây mít, để lại đầu ngoi trên mặt đất. Chị ở đó 2 ngày 2 đêm, chỉ cách nhà mẹ đẻ vài trăm mét. Phải sang ngày thứ 3 sau khi bọn lính rút đi, bà con láng giềng buộc củi kéo quanh đầu chị để đề phòng bọn chúng gài lựu đạn, rồi mới dám đào thi hài chị đưa đi mai tán

Chị đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cơ sở cách mạng ở lứa tuổi 20, máu xương của chị và các anh hùng, liệt sỹ đã hoá thành hồn thiêng sông núi. Cái chết của chị đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Có những cái chết đã trở thành bất tử”. Sau cái chết của chị, khắp nơi trong vùng đã phát động phong trào “Học tập và noi theo gương anh dũng Lê Thị Tuyết”. Sự hy sinh của chị đã để lại trong lòng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân một ý niệm sâu sắc và tinh thần dũng cảm tuyệt vời, một ý chí kiên cường bất khuất trước quân thù, lòng thủy chung, son sắt, giữ trọn lời thề danh dự với đồng chí, đồng đội “Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai”. Tấm gương hy sinh của chị Lê Thị Tuyết đã tạo nên “cơn địa chấn” khích lệ, cổ vũ cho quân dân huyện Hải Lăng như được tăng thêm sức mạnh, sôi sục vùng lên lập những chiến công rực rỡ trong bám trụ địa bàn, tiếp tục anh dũng chiến đấu đến ngày toàn thắng.

Để ghi nhận sự hy sinh anh dũng và những đóng góp của chị, ngày 23 tháng 7 năm 1997, chị Lê Thị Tuyết được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

                                                                          Lê Ngọc Trung

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 803
Hôm qua : 1.149
Tháng 04 : 21.286
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.044.366
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04