Xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh: ngày 11/11/1966 bắn rơi 6 chiếc máy bay Mỹ.
Đại tá Lại Quốc Thịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật quân sự (Học viện Quốc phòng) là người trực tiếp tham gia trận chiến đấu ngày 11-11-1966 trên đất Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ngày hôm đó, Nhà Trắng phải chua chát thừa nhận: “Hôm nay là ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.
Đại tá, cựu chiến binh Lại Quốc Thịnh nhớ lại: Giữa năm 1966, không quân Mỹ tăng cường bắn phá ra miền Bắc nước ta. Xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh là trọng điểm bắn phá ác liệt, nhất là vào tháng 11, khi vụ thu hoạch lúa của người dân đang diễn ra hối hả. Cứ vào buổi sáng hay thời điểm người dân đi gặt về là địch cho máy bay đánh phá nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân và phá hoại mùa màng, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Trước tình hình trên, Trung đoàn 218 được lệnh về địa phương để tập trung hỏa lực, phục kích tiêu diệt máy bay địch.
Đại tá, cựu chiến binh Lại Quốc Thịnh. |
Đầu tháng 11-1966, Lại Quốc Thịnh lúc đó đang là trợ lý tham mưu của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 218 (nay thuộc Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) nhận lệnh cùng chỉ huy tiểu đoàn đi trinh sát và liên hệ với chính quyền xã Vĩnh Thủy huy động lực lượng dân quân để xây dựng các trận địa pháo. Do ở Vĩnh Thủy chủ yếu là đồng bằng với các làng bản và cánh đồng lúa, hoa màu nên khó chọn trận địa pháo cao xạ. Cuối cùng, đơn vị quyết định chọn trận địa quanh khu vực điểm cao 74.
Đêm 9-11-1966, hai đại đội pháo của Tiểu đoàn 5 và hai đại đội của Tiểu đoàn 6, do Tiểu đoàn 6 chỉ huy cơ động từ bờ đông qua bờ bắc sông Sa Lung vào triển khai đội hình chiến đấu ở trận địa đã được chuẩn bị sẵn tại các bình độ của điểm cao 74. Ngày 10-11, đơn vị tổ chức luyện tập phương án chiến đấu và kiểm tra công tác chuẩn bị. Tất cả các nòng pháo 37mm đều hướng về phía đông nam, sẵn sàng chờ lệnh để tiêu diệt lũ giặc trời.
Gần 7 giờ sáng 11-11, đơn vị nhận lệnh báo động vào cấp 1. Đến khoảng 7 giờ 30 phút, khi những tia nắng đầu mùa đông vừa ló rạng, người dân Vĩnh Thủy vẫn hoạt động như thường nhật, rồi theo quy luật, từ hướng đông nam, hai chiếc máy bay L-19 lại vè vè trên cánh đồng để trinh sát, chỉ điểm, pháo ta nổ súng. Nhận thấy có trận địa pháo, ít phút sau, một chiếc máy bay F-4 hùng hổ lao đến, chao nghiêng trên cánh đồng ở độ cao 1.000m. Các trận địa pháo được lệnh đồng loạt nổ súng, ngay từ loạt đạn đầu tiên, chiếc F-4 bị trúng đạn đâm đầu xuống cánh đồng cách trận địa Đại đội 26 chừng 300m khi chưa kịp gây tội ác, hai tên giặc lái bị tiêu diệt.
30 phút sau, 4 chiếc F-4 lao từ phía biển vào, lực lượng phòng không của ta bắn rơi tại chỗ hai chiếc. Một chiếc trực thăng UH-1A đến cứu giặc lái bị bắn rơi tại A Nha. Một lúc sau, các tốp AD-6,
F-4 và F-8U bay vào ném bom bừa bãi xuống Vĩnh Thủy, chúng dùng đủ các mánh khóe với các chiến thuật nhà nghề nhằm tiêu diệt các trận địa pháo của ta. Lực lượng pháo cao xạ tiếp tục hiệp đồng chặt chẽ, nổ súng liên hồi và bắn hạ một chiếc AD-6, một chiếc F-8U và một chiếc F-4, bắt sống hai giặc lái...
Sau trận đánh, huyện Vĩnh Linh đã làm huy hiệu tặng các lực lượng tham gia trận chiến đấu với dòng chữ “Vĩnh Linh chiến thắng ngày 11-11-1966”. Đảng ủy xã Vĩnh Thủy đề nghị trên lấy ngày 11-11 hằng năm là ngày truyền thống của xã. Ngày 15-11-1966, Bác Hồ gửi Thư khen quân và dân Vĩnh Linh đã lập công xuất sắc, Bác viết: “Ngày 11 tháng 11 năm 1966, quân và dân Vĩnh Linh đã đánh giỏi, thắng lớn, bắn rơi tại chỗ 6 máy bay Mỹ, bắt sống giặc Mỹ lái máy bay. Đó là chiến công oanh liệt của một địa phương trong một ngày. Giặc Mỹ đã phải thú nhận đó là một ngày đen tối cho không quân chúng… Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đặc biệt khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Vĩnh Linh”.
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.