Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 trong tiến trình lịch sử
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Quảng Trị mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, là chiến trường diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 đã đi vào lịch sử như một dấu mốc quyết định, tạo bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường, tạo đà thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.
Ảnh: Sĩ Sô |
Ngày 1/5/1972, cờ giải phóng đã phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng Quảng Trị, toàn bộ quân địch bị quét sạch, Quảng Trị - địa phương cấp tỉnh đầu tiên ở miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bằng hai đợt tiến công và nổi dậy từ ngày 30/3/1972 đến ngày 1/5/1972, ta đã đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Lao Bảo - Khe Sanh đến Cửa Việt, giải phóng hơn 30 vạn dân, thiết lập chính quyền cách mạng. Thắng lợi này là sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến binh chủng giữa lực lượng vũ trang tỉnh với các đơn vị chủ lực đánh tiêu diệt lớn. Chiến thắng đã nối liền Quảng Trị với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Huyện Cam Lộ trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi đón tiếp các phái đoàn quốc tế, cổ vũ quân, dân ta giữ vững ý chí, quyết chiến, quyết thắng để đi tới thắng lợi cuối cùng.
Nhằm đập tan các cuộc hành quân quy mô lớn âm mưu tái chiếm Quảng Trị trước ngày Hội nghị Pari nhóm họp (13/7/1972) của Mỹ và quân đội Sài Gòn, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị của quân và dân ta chống địch phản kích tái chiếm vùng giải phóng thực sự là bản anh hùng ca bất diệt về sự kiên cường, lòng dũng cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là kết quả của ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội chủ lực, khát khao cháy bỏng giải phóng quê hương của quân và dân Quảng Trị. Đây là cuộc chiến đấu ác liệt nhất, chịu nhiều đau thương, mất mát và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu cao nhất của quân và dân ta.
Chiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 mang ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, góp phần làm thay đổi cục diện trên chiến trường toàn miền và Đông Dương. Bằng các đòn tiến công mạnh mẽ, quân giải phóng cùng bộ đội địa phương và nhân dân đã phá tan hệ thống phòng ngự kiên cố, giáng một đòn chí mạng vào quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Quảng Trị được giải phóng đã làm thất bại âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” tại Hội nghị Pa-ri mà giới cầm quyền Mỹ cố tạo ra trên chiến trường miền Nam. Cuộc tiến công chiến lược giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến bảo vệ vùng giải phóng đã tạo chấn động mạnh đối với nội tình nước Mỹ trong thời điểm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai của Tổng thống Níchxơn diễn ra gay cấn. Chiến thắng này đã cùng với trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Cuộc tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 là trang sử vẻ vang, hào hùng và bi tráng nhất, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu dài ngày nhất, gian khổ nhất suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhận thức sâu sắc về tầm vóc, vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử to lớn của chiến thắng này, chính là những kinh nghiệm quý báu của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Ngô Anh Tú
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.