• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH TRONG CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG QUẢNG TRỊ NĂM 1972

Cuộc tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị cùng nhân dân và các lực lượng trên chiến trường Trị - Thiên đã chủ động sáng tạo, kiên cường bám trụ, vượt mọi gian khổ hy sinh, anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương, giành những chiến thắng có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao. Bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, đã khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị, đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Đầu năm 1972, phong trào cách mạng của quân và dân Quảng Trị vượt qua thời kỳ khó khăn, có bước phát triển mới. Lực lượng vũ trang tỉnh đã đẩy mạnh đấu tranh toàn diện, phối hợp với bộ đội chủ lực bố trí lực lượng, tạo thế và lực vững chắc, chuẩn bị tốt cho Cuộc tổng tiến công chiến lược. Bộ đội địa phương và du kích các xã tổ chức đánh địch liên tục, rộng khắp, nhiều lần đột nhập vào các căn cứ quân sự, các khu tập trung, diệt nhiều sinh lực địch, khiến chúng hoang mang, dao động. Phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang, địch vận…làm cho địch phải co cụm lại, diện kìm kẹp ở nông thôn, đồng bằng bị thu hẹp, kế hoạch bình định của địch bị thất bại. Lực lượng của ta phát triển mạnh mẽ, giữ vững được các địa bàn trọng yếu, mở rộng địa bàn đứng chân vùng giáp ranh, tạo nên các bàn đạp quan trọng. Đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường, tổ chức lực lượng, xây dựng kế hoạch, quyết tâm chiến đấu. Đêm 19/3/1972, thực hiện nghi binh chiến dịch, Lực lượng vũ trang tỉnh nổ tiếng súng đầu tiên tiến công quận lỵ Mai Lĩnh. Chiến dịch giải phóng quê hương Quảng Trị đã sẵn sàng.

Kết quả hình ảnh cho du kích gio cam trong giai phong quảng trỠ1972

Du kích Gio Cam (Ảnh Tư liệu) 

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực tiến công, bao vây, tiêu diệt 05 căn cứ Động Toàn, Ba Hồ, các cao điểm 544, 288, 365, góp phần đập tan hệ thống phòng thủ của địch ở cửa ngõ phía Bắc “Vành đai thép - Hàng rào điện tử Mác Na-na-ma-ra”. Lực lượng vũ trang nhân dân Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà phối hợp với các lực lượng tiến công căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên, chi khu quân sự Gio Linh ở Quán Ngang, các đơn vị bảo an, dân vệ ở Cửa Việt, Gio Lễ, Cùa, Cam Thanh… bằng các đòn hỏa lực mạnh, tiêu diệt các ổ đề kháng, xiết chặt vòng vây, buộc địch phải tháo chạy. Kết hợp đấu tranh chính trị và công tác binh, địch vận khiến địch tan rã nhanh chóng. Hệ thống phòng ngự của địch ở Cửa Việt - Quán Ngang - Dốc Miếu - Cồn Tiên - cứ điểm 544 - 241 - Động Toàn bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Ngày 2/4/1972, nhân dân và lực lượng vũ trang Gio Linh, Cam Lộ hân hoan mừng quê hương giải phóng.

Liên tiếp tiến công địch, từ ngày 12 đến ngày 25/4/1972, trên hướng Đông Hà, bộ đội và du kích phương vượt sông Hiếu, tập kích lực lượng bộ binh, tăng thiết giáp địch ở Tây Trì, cầu Đông Hà; trên hướng Ái Tử, quân và dân Triệu Phong, thị xã Quảng Trị phối hợp đánh mạnh vào An Đôn, Nhan Biều, áp sát cầu Quảng Trị. Sáng ngày 28/4/1972, sau đòn hỏa lực mạnh mẽ của các trận địa pháo binh của ta, du kích Cam Giang, Cam Thanh, Triệu Lương, Triệu Lễ, vạn đò Đông Hà cùng với bộ đội tiến công tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Hà. Đúng 15 giờ, toàn bộ Đông Hà được giải phóng.

Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của quân và dân ta, địch co cụm về thị xã Quảng Trị, La Vang, Mỹ Chánh. Kết hợp với các trận chiến đấu lớn của bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương phát động quần chúng nổi dậy, vây ép kết hợp giáo dục tuyên truyền ngụy quân, ngụy quyền đầu thú với cách mạng. Ngày 01/5, cờ giải phóng đã phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng Quảng Trị, toàn bộ quân địch bị quét sạch. Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Sau hai đợt tiến công và nổi dậy mãnh liệt, Lực lượng vũ trang tỉnh đã độc lập chiến đấu 36 trận, diệt 221 tên địch, bắt sống 2.600 tên, thu 3.800 súng các loại, quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố, đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Lao Bảo- Khe Sanh đến Cửa Việt, giải phóng 30 vạn dân, thiết lập chính quyền cách mạng.

Trước thảm bại để Quảng Trị thất thủ, Thừa Thiên - Huế bị uy hiếp nặng nề, Mỹ, ngụy tổ chức đợt phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72”, quyết tái chiếm thị xã Quảng Trị. Mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là Thành Cổ trở thành mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong suốt 81 ngày đêm lịch sử. Lực lượng vũ trang Quảng Trị kiên cường bám trụ, vững gan bền chí cùng với bộ đội chủ lực quyết liệt đánh trả địch phản công. Tiểu đoàn 14 và du kích tại chỗ đánh thiệt hại nặng lực lượng địch tại làng Ngô Xá, Trà Trì, Trà Lộc, bắc sông Vĩnh Định, Hội Yên, Gia Đẳng,… Với ý chí sắt thép: “Còn người là còn trận địa”, Tiểu đoàn 3, 8, 10, 14…, các đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích đã cùng với bộ đội chủ lực làm chủ Thị xã Quảng Trị trong một thời gian dài, tiêu diệt hơn 24.000 tên địch, bắn rơi 180 máy bay, phá hủy 140 xe quân sự cùng nhiều vũ khí, khí tài, phương tiện chiến tranh khác. Cuộc chiến đấu giữ Thành Cổ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì, bền bỉ của ta trên bàn hội nghị Pa ri, góp phần tích cực dẫn tới sự kiện ký hiệp định Pa-ri (năm 1973), chấm dứt chiến tranh, quân Mỹ cút về nước.

45 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc, vai trò, ý nghĩa lịch sử của chiến dịch tiến công, nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu chống địch phản kích tái chiếm vùng giải phóng năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị. Máu của hàng vạn người con kiên trung của quê hương Quảng Trị đã đổ xuống, hòa vào dòng sông, tan vào lòng đất để cùng với dân tộc Việt Nam giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, thống nhất. “Chiến dịch Quảng Trị năm 1972” chính là bản anh hùng ca bất tử của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng như lời khái quát Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”. Đó chính là những bài học lịch sử, những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

                                                                                                                                     Bài: Ngô Anh Tú


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 760
Hôm qua : 1.115
Tháng 12 : 20.855
Tháng trước : 92.378
Năm 2024 : 3.074.931
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,07