• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ANH HÙNG LÊ VĂN BAN

Anh hùng Lê Văn Ban sinh năm 1933, dân tộc Kinh, quê ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, tham gia dân quân năm 1959. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là trung đội trưởng dân quân xã Vĩnh Giang, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Xuất thân từ một vùng quê nghèo ở vùng ven biển, chuyên đi đánh cá thuê từ nhỏ, Lê Văn Ban vốn quen sông nước, lại có tinh thần hăng hái chống Mỹ, cứu nước, nên khi vào dân quân, đồng chí thường xung phong đảm nhận những công tác khó khăn nguy hiểm nhất trong việc vận chuyển hàng hoá trên sông Bến Hải.

Do địch đánh phá ngày càng ác liệt, một số thuyền bị đắm, số khác bị địch bắt, nhiều xã viên do dự, bỏ lưới buông chèo. Lê Văn Ban tự nguyện xung phong cùng tổ đi đánh cá ngoài khơi 2 năm liền, năm nào cũng là người đạt số công cao nhất hợp tác xã (từ 250 tới 280 ngày công).

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá đảo Cồn Cỏ và bao vây hòng cắt đứt liên lạc giữa đảo với đất liền. Nhiệm vụ tiếp tế cho đảo rất cấp bách mặc dù đó là việc hết sức nguy hiểm. Đáp lại lời kêu gọi chi viện cho đảo, Lê Văn Ban xung phong vào đoàn thuyền tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.

Ba chuyến đầu, làm thuỷ thủ, đồng chí cùng tất cả anh em bình tĩnh, dũng cảm tìm cách tránh bom đạn địch, vượt được vòng vây tới đảo an toàn. Chuyến thứ tư, một thuyền trong đoàn bị mất tích sau một trận chiến đấu ác liệt, Lê Văn Ban được cấp trên giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng. Đồng chí đi sát anh em, động viên mọi người giữ vững quyết tâm, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt đi 3 chuyến tiếp theo ra đảo an toàn.

Chuyến thứ 7, sau khi làm xong nhiệm vụ, trên đường trở về thuyền gặp 3 chiếc tàu tuần tiễu của địch vây chặn ráo riết, bắn phá ác liệt. Biết không thể nào vượt vây được, Lê Văn Ban động viên anh em bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu. Sau một hồi đánh trả địch quyết liệt, thuyền bị trúng đạn, thủng mấy chỗ, nước ùa vào, có nguy cơ bị đắm giữa biển khơi. Đồng chí bình tĩnh một mặt chỉ huy các bộ phận tát nước, bịt lỗ thủng, chiến đấu với địch, mặt khác trực tiếp giữ tay lái, vừa đưa thuyền vượt tránh lửa đạn địch, vừa chống lại sóng to gió lớn của đợt gió mùa đông bắc đột nhiên ập tới. Suốt 3 giờ liền mở 5 đợt tiến công mọi cách không kết quả, lại thấy thời tiết ngày càng xấu, tàu địch đành rút lui. Sóng gió càng to, trời tối như mực, thuyền Lê Văn Ban bị lạc hướng, sáng hôm sau mới biết bị dạt sâu vào vùng biển miền Nam. Đồng chí vừa giữ tay lái, vừa thảo luận với anh em kế hoạch chiến đấu khi gặp địch rồi táo bạo cho thuyền vào bờ để chữa và tìm mua lương thực. Rất may đây là vùng giải phóng, Lê Văn Ban được bà con địa phương giúp đỡ tận tình mọi phương tiện cho thuyền trở lại miền Bắc.

Ngày 8 tháng 10 năm 1966, trên đường vận chuyển hàng ra đảo, thuyền đồng chí Lê Văn Ban chạm trán với tàu địch. Hai tàu địch lao lên ép sát, kẹp thuyền của ta vào giữa với ý đồ bắt gọn cả người lẫn thuyền. Nắm chắc tay lái, đồng chí ra lệnh “Bình tĩnh, chuẩn bị B40 và lựu đạn”. Lợi dụng một chiếc tàu địch chạy ngang quá đà, đồng chí kéo tay lái cho thuyền ngoặt 90 độ sang trái để tránh đạn và ra lệnh: “Bám tàu địch đánh, B40 ngắm hông tàu chuẩn bị bắn”. Pháo sáng vụt tắt, nhằm lúc trời tối đồng chí kéo căng dây buồm cho thuyền áp sát tàu địch để vô hiệu hóa hỏa lực của chúng và dễ bắn trúng tàu. Hơn chục ngọn pháo sáng vụt lên, thuyền ta chỉ còn cách tàu địch 30 - 40m, đồng chí ra lệnh “ tất cả, bắn ”, nhiều quả đạn xuyên trúng hông tàu địch làm 1 chiếc bị thương, buộc chúng phải lùi lại. Chọn đúng thời cơ, 2 quả B40 từ thuyền ta bắn ra làm tàu địch bốc cháy, Lê Văn Ban gắng sức ném mấy quả lựu đạn lên tàu khiến bọn địch càng thêm nhốn nháo hoảng loạn, vừa chạy vừa bắn xối xã. Thuyền của ta bị thủng mấy lỗ nhỏ được anh em nhét lại và tiếp tục hành trình chở hàng ra đảo an toàn trong tiếng reo hò của bộ đội trên đảo

Về đến đơn vị, đồng chí Lê Văn Ban lại xung phong đi tiếp nhiều chuyến nữa ra Cồn Cỏ rồi mới về địa phương và trung đội dân quân của mình. Lê Văn Ban được vinh dự kết nạp vào Đảng ngay sau trận chiến đấu quyết liệt với địch, chiến thắng trở về và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ngày 1 tháng 1 năm 1967, đồng chí Lê Văn Ban được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 862
Hôm qua : 1.223
Tháng 04 : 22.738
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.045.818
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04