• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang

Chúng tôi về thôn Tân Thịnh, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sau lời hẹn gặp với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Xuân Giang, nguyên Phó Trưởng Ban An ninh thị xã Quảng Hà. Trong những năm chiến tranh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Xuân Giang là chỉ huy lực lượng biệt động nội thị, tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đặc biệt ông đã tổ chức nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều lính Mỹ - ngụy, ác ôn trong chiến dịch giải phóng quê hương Quảng Trị năm 1972.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang​

 

Năm nay đã 79 tuổi nhưng trong kí ức của AHLLVTND Nguyễn Xuân Giang luôn còn mãi những kí ức đẹp đẽ về những năm tháng tuổi trẻ cống hiến tại chiến trường Quảng Trị.

 

Cha ông - liệt sĩ Nguyễn Xuân Thâm - là một du kích bị giặc bắt chôn sống khi trong một trận chống càn, ông đã dùng lựu đạn đập vỡ cằm một tên quan tư Pháp. Mang nặng thù nhà, năm 1960, ông Giang tham gia nhập ngũ khi vừa 20 tuổi. Sau 6 tháng tham gia huấn luyện, ông được phân công vào lực lượng Công an vũ trang Vĩnh Linh, làm nhiệm vụ trong “Khu liên hiệp quân sự”. Một năm sau, ông được Bộ Công an điều động sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Năm 1962, ông về nước và được đi học ở Trường Đặc công tại tỉnh Sơn Tây. Là một người sáng dạ, có bản lĩnh, sau hơn một năm đào tạo, ông được tổ chức điều vào chiến trường Quảng Trị, trực tiếp tham gia Tiểu đoàn 45 (có mật danh “Đại bàng”) chuyên “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” mà quân thù chỉ mới nghe tên đã hoang mang, khiếp sợ.

 

Lần dở những trang “Nhật kí chiến trường”, ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe chi tiết của từng trận đánh. Chiến công mở đầu cuộc đời đặc công của ông là bắt sống tên T.C., Trưởng đoàn Bình định của ngụy tại Hướng Hóa vào cuối năm 1964, sau đó là cuộc đột nhập giữa ban ngày và tiêu diệt vợ chồng gián điệp lai Tây ở Vực Thúi; rồi vụ tiêu diệt tên phản động N.T.T. thì thực sự đã gây chấn động, khiếp đảm trong hàng ngũ địch.

 

N.T.T. là Phó quận trưởng, Bí thư Đảng “Đại Việt” huyện Hải Lăng. Hắn đã ra tay giết hại rất nhiều đảng viên, cán bộ, đồng bào yêu nước của ta. T. được bảo vệ rất cẩn mật, đến nỗi ngày làm việc ở huyện, tối được lính thủy cho canô chở ra ngủ trên tàu đậu trên biển. Đi đâu, ở đâu hắn cũng có lính tráng bảo vệ cẩn mật. Với mục đích phải ngăn chặn những việc làm ác ôn của tên T., suốt hai tháng trời trinh sát và lên một số phương án tác chiến, cuối cùng ông được cấp trên giao toàn quyền thực thi nhiệm vụ với phương châm “hiệu quả, ít thiệt hại”. 8 giờ ngày 8/6/1966, trong vai thiếu úy bảo an, cùng hai đồng chí khác đeo lon trung sĩ ngụy, ông ngang nhiên đi vào sở đường của N.T.T. Bằng thủ thuật tâm lí, tổ biệt động đuổi được tên lính gác cổng để một người thay vào vị trí của đó; đồng chí còn lại chạy ra chặn cửa sau, phòng khi T. tẩu thoát. Ông đĩnh đạc mở cửa bước vào. Thấy “thiếu úy bảo an” xuất hiện và chĩa súng vào mình, sau vài phút ngơ ngác, tên T. hiểu ngay tình hình nên định nhảy song phi đá văng súng của đối thủ hòng thoát thân. Nhưng ông đã nhanh hơn, kéo cò súng. N.T.T. ngã vật xuống. Vớ luôn chiếc cặp da của hắn đặt trên bàn, ông bình tĩnh bước ra ngoài. Bọn hào lí hoảng hốt nhưng không dám la lối. Khi toàn đội đã rút êm xuống thuyền, chèo nhanh về căn cứ thì bọn chúng mới bắn súng, khua kèn, thổi còi, báo động inh ỏi.

 

Với tài liệu “mật” trong chiếc cặp da của N.T.T, ta bắt gọn toàn bộ mạng lưới mật vụ của địch cài trong hàng ngũ cơ sở cách mạng ở huyện Hải Lăng và nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Với chiến công này, ông được tặng Huân chương Chiến công của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

Sau hơn 2 tháng điều tra, địch phát lệnh truy nã ông trên toàn miền Nam (nhưng không có ảnh kèm) với giải thưởng 3 triệu đồng tiền ngụy (giá vàng lúc bấy giờ là 25 đồng/chỉ). Chính tình cảm và sự đùm bọc của người dân Quảng Trị là bức tường thành che chở ông trước tai mắt kẻ thù. Để bí mật hoạt động, Bộ Chỉ huy Mặt trận Quảng Trị yêu cầu ông đổi tên. Hà là tên vợ ông, ông ghép thêm chữ Việt phía trước. Cái tên Việt Hà có từ bấy giờ và theo ông cho đến tận hôm nay.

 

Năm 1967, theo chủ trương của Khu ủy Trị - Thiên, thị xã Quảng Hà được thành lập từ sự hợp nhất của thị trấn Đông Hà, thị xã Quảng Trị và một số xã gồm Triệu Lương, Triệu Giang, Triệu Ái, Triệu Thượng của huyện Triệu Phong và xã Hải Thượng, Hải Lệ, Hải Phú của huyện Hải Lăng. Trên cơ sở đó, Ban An ninh thị xã Quảng Hà được thành lập, có nhiệm vụ nắm tình hình trong nội thị và vùng ven để thu thập thông tin, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền kế hoạch đánh địch, đặc biệt là tổ chức những trận đánh hiểm vào trong lòng địch.

 

Bấy giờ, thị xã Quảng Hà và hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng nên Mỹ - ngụy đã tập trung bố phòng dày đặc vòng trong, vòng ngoài; tiến hành lập ấp, gom dân; phát triển mạng lưới tình báo và thiết lập các tổ chức đảng phái để chống phá sự phát triển của cách mạng. Đồng chí Việt Hà được giao giữ chức Thị ủy viên, Phó Trưởng Ban An ninh thị xã Quảng Hà. Dưới sự chỉ đạo của Ty An ninh tỉnh Quảng Trị, đồng chí Việt Hà liên tiếp chỉ đạo lực lượng trinh sát của Ban An ninh thị xã Quảng Hà thực hiện nhiều kế hoạch đánh táo bạo và bất ngờ với phương châm hành động là “thọc sâu vào hàng ngũ của địch”. Ngoài Đội trinh sát vũ trang hoạt động cơ động còn có các tổ trinh sát địa bàn và tổ điệp báo đã cùng hiệp đồng tác chiến trong diệt ác trừ gian, nhờ đó đã kịp thời đối phó và chặn đứng các âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch.

 

Để chuẩn bị cho cao trào tấn công Mậu Thân năm 1968, ông cùng Ban An ninh thị xã Quảng Hà đẩy mạnh hoạt động tập trung lực lượng, xây dựng các kế hoạch đánh địch hiệu quả, tiêu diệt nhiều tên thám báo, ác ôn và thu nhiều tài liệu, vũ khí của địch. Những cuộc đánh bất ngờ, đầy quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Quảng Hà đã chặn đứng các đợt tấn công của địch, đập tan âm mưu “tìm diệt” và “bình định” của chúng. Điển hình là vụ gài cơ sở vào tổ chức Prai, một tổ chức phản động của địch và thu thập được nhiều thông tin, tài liệu bí mật giúp lực lượng cách mạng ứng phó và đánh bại các âm mưu phá hoại của địch. Một trong những chiến công nổi bật của đồng chí Việt Hà là vào lúc 3 giờ chiều ngày 1/5/1971, ông đóng vai đại úy thủy quân lục chiến cùng hai chiến sĩ đặc công khác, một đóng vai hạ sĩ lái xe, một đóng vai trung sĩ cận vệ với nhiệm vụ ghi trong “Công vụ lệnh” là đi truy bắt lính đào ngũ do Sư trưởng Mai Lĩnh kí, tiếp cận và sau đó tử hình tại chỗ T.T.P., một tên phản động chống cộng khét tiếng, có nhiều nợ máu với nhân dân.

 

Trong chiến dịch giải phóng quê hương Quảng Trị vào năm 1972, đồng chí Việt Hà đã cùng Ban An ninh thị xã Quảng Hà chỉ đạo lực lượng tổ chức nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều tên Mỹ - ngụy, ác ôn; phối hợp với các lực lượng thu gom hơn 7 tấn tài liệu quan trọng của địch, tổ chức hướng dẫn đưa 3,5 vạn dân ra vùng giải phóng.

 

Năm 1976, đơn vị vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu AHLLVTND, được tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì; nhiều cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý. Bản thân đồng chí Việt Hà vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu AHLLVTND vào ngày 6/6/1976.

 

Kiều Hảo


Nguồn:Báo Quảng Trị Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 858
Hôm qua : 1.163
Tháng 12 : 20.840
Tháng trước : 92.378
Năm 2024 : 3.074.916
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,07