• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHÂN DÂN VÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Quảng Trị là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình; phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Tây giáp tỉnh Sa-van- na-khẹt (Lào); phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài trên 75km. Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng nên từ xưa tới nay mọi kẻ thù xâm lược đều tìm cách chiếm đóng, chia cắt khu vực này. Suốt chặng đường dài của lịch sử, nhân dân không chỉ đổ mồ hôi để xây dựng quê hương còn phải đổ máu để chống ngoại xâm, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ Tổ quốc. Thiên tai, binh lửa, chia cắt, phân ly và những thử thách nghiệt ngã thường trực trong quy luật tồn tại đã làm cho đất và người Quảng Trị phải chịu nhiều đau thương, mất mát, hy sinh nhưng cũng hun đúc nên những giá trị cao đẹp về ý chí kiên trung, tinh thần quả cảm, nghị lực vượt khó và một truyền thống đoàn kết, gắn bó, không khuất phục trước kẻ thù hung bạo. Từ những cuộc kháng chiến chống bọn phong kiến phương Bắc xâm lược trong suốt nghìn năm Bắc thuộc đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc Quảng Trị đã đóng góp sức người, sức của cùng cả nước giành độc lập tự do.

Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang. Các đội tự vệ mật đã được tổ chức với nhiệm vụ là bảo vệ Đảng, bảo vệ và tổ chức các cuộc đấu tranh của quần chúng lao động. Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, nhiều địa phương đã xây dựng các đội tự vệ. Chính lực lượng này làm nòng cốt trong việc đập tan chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Quảng Trị, hàng vạn quần chúng công nông trong tỉnh được trang bị bằng những vũ khí thô sơ đã vùng lên đấu tranh, đạp đổ xiềng xích nô lệ của đế quốc, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, cùng quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi cách mạng Tháng Tám, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính quyền cách mạng non trẻ đã sớm nhận thức vị trí, vai trò đấu tranh của lực lượng vũ trang cách mạng nên chỉ sau vài giờ giành chính quyền, trưa ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh đã khẩn trương ra Quân lệnh số 2, mở cuộc tuyển quân cấp tốc thành lập Chi đội giải phóng quân đầu tiên ở Quảng Trị. Ngày 19 tháng 9 năm 1945 Chi đoàn Thiện Thuật được thành lập, sau đổi thành Trung đoàn Thiện Thuật, Trung đoàn 95. Tháng 12 năm 1945, Tỉnh ủy chủ trương thành lập Ban chỉ huy tự vệ chiến đấu tỉnh (Tỉnh đội) chăm lo việc lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng dân quân tự vệ phát triển không ngừng lớn mạnh, là nguồn để xây dựng bộ đội chủ lực tập trung.

Từ những đơn vị đầu tiên, trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang Quảng Trị không ngừng phát triển lớn mạnh kề vai sát cánh với đồng bào, đồng chí từ miền xuôi lên miền ngược vượt lên mọi gian nan thử thách. Trong những ngày đầu kháng chiến, các LLVT tỉnh Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo trên mặt trận Đường 9, cản bước tiến của giặc pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Điển hình là các trận đánh ở Khe Sanh, Lao Bảo, Rào Quán, Đầu Mầu. Năm 1947, năm 1948 LLVT Quảng Trị vừa chiến đấu vừa xây dựng liên tục tiến công địch ở thị xã Quảng Trị diệt và bắt sống 200 tên địch. Cán bộ, chiến sĩ các LLVT Quảng Trị luôn nêu cao khí phách anh hùng, chiến đấu anh dũng, kiên cường, làm cho kẻ thù khiếp đảm như: Trận Đông Dương ( ngày 7 tháng 4 năm 1948), trận Đập Huyện, trận đột nhập Đông Hà ( tháng 3 năm 1949) và tiêu biểu là trận Hạ Cờ - Chấp Lễ ngày 26 tháng 7 năm 1950 tiêu diệt hơn 300 tên lính Âu Phi, bắn rơi 1 máy bay, phá huỷ 40 xe ô tô, xe bọc thép và nhiều vũ khí trang bị khác. Đông xuân 1953-1954, quân và dân Quảng Trị vượt mọi khó khăn, giữ vững ý chí, nêu cao khí phách kiên cường, chủ động tiến công địch, phối hợp với các chiến trường, đặc biệt với chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử “chấn động địa cầu” buộc Pháp phải ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước ta tạm chia làm hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17 ( sông Bến Hải ) làm ranh giới quân sự tạm thời. Từ đó đại bộ phận nhân dân huyện Vĩnh Linh: gồm 17 xã được hoàn toàn giải phóng, cùng với miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Xã Vĩnh Liêm và một phần xã Vĩnh Sơn của huyện Vĩnh Linh ở bờ nam sông Bến Hải cùng với các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Thị xã Quảng Trị, Hướng Hóa, Đakrông trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Quảng Trị trở thành một vị trí đầu cầu giới tuyến của hai miền Nam Bắc, cùng với cả nước làm hai nhiệm vụ chiến lược: vừa tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, vừa tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, trong đó nhiệm vụ chống Mỹ là nhiệm vụ hàng đầu. Do đặc điểm vị trí có tầm chiến lược quan trọng đặc biệt nên đến tháng 6/1955 Trung ương quyết định thành lập khu vực Vĩnh Linh trực thuộc Trung ương Đảng và Chính phủ.

Với bản chất cực kỳ ngoan cố hiếu chiến, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại hiệp định Giơ ne vơ và hiệp thương tổng tuyển cử giữa hai miền Nam Bắc. Chúng đặt khu vực Quảng Trị là một trong các trọng điểm bình định với lực lượng ngụy quân, ngụy quyền thường xuyên trên 10.000 lính Mỹ và chư hầu, cùng hàng chục nghìn lính ngụy, địa phương quân, cảnh sát…, xây dựng các căn cứ quân sự cùng lượng vũ khí, khí tài chiến tranh lớn. Mỹ - ngụy tiến hành đàn áp nhân dân đẫm máu, trả thù những người kháng chiến cũ; gây nhiều vụ thảm sát. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Trị đã kiên cường bám trụ, xây dựng cơ sở cách mạng, chịu nhiều hy sinh gian khổ anh dũng đấu tranh. Mở đầu là các phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, phá ấp chiến lược của địch ngay từ khi chúng mới bắt đầu xây dựng, với phương châm “ngày địch xây, đêm ta phá”, các đội công tác, các đơn vị vũ trang làm nòng cốt đã bám sát cơ sở, phát động quần chúng nhân dân diệt ác trừ gian, phá ấp chiến lược.

Năm 1960, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị hỗ trợ tích cực cùng nhân dân tiến công nổi dậy ở miền núi, phá tan các cuộc càn quét mang tên “Lê Lợi”, “ Phượng Hoàng” của địch. Tháng 2 năm 1964, dân quân du kích Ba Lòng, Triệu Nguyên phối hợp với bộ đội đặc công tỉnh tiến công giải phóng quận lỵ Ba Lòng, diệt 58 tên, bắt sống 40 tên. Phong trào đồng khởi của quân và dân Quảng Trị phát triển rộng khắp, đẩy mạnh chiến tranh du kích với nhiều hình thức tác chiến phong phú, tiến công địch giành nhiều thắng lợi. Tỉnh có 4 tiểu đoàn bộ đội tập trung, huyện nào cũng có đại đội bộ đội địa phương, hầu hết các xã đều có du kích. Lực lượng vũ trang đã kiên trì bám đất, bám dân vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, tích cực đánh địch ở khắp mọi nơi, mọi lúc lập nhiều chiến công xuất sắc, diệt hàng vạn tên địch, bắt hơn 4.000 tên, làm rã ngũ hơn 3.000 tên, phá hủy hơn 2.200 xe quân sự (có hơn 500 xe tăng, xe bọc thép), 120 khẩu pháo, hàng trăm lần đánh phá kho xăng, đạn, phương tiện chiến tranh, góp phần cùng bộ đội chủ lực diệt gần 10 vạn tên khác, bắn rơi gần 700 máy bay, đánh chìm đánh hỏng 238 tàu xuồng chiến đấu, thu 30 vạn súng các loại. Đã hỗ trợ cho hàng vạn cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng nổi dậy chống địch bắt lính, gom dân lập ấp, giải phóng vùng giáp ranh, xây dựng căn cứ lõm ở đồng bằng, mở rộng nhiều vùng giải phóng liên hoàn làm cho địch lúng túng, bị động phải co cụm lại trong các sào huyệt của chúng. Những đợt tấn công mạnh mẽ ở miền núi và phong trào đồng khởi năm 1964 đã góp phần đánh bại quốc sách “ấp chiến lược” và chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Năm 1965, trước nguy cơ thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ liều lĩnh leo thang chiến tranh ở miền Nam tăng cường phá hoại miền Bắc, dốc quân ra Quảng Trị, xúc tiến lập phòng tuyến Mác Na-ma-ra, biến cả vùng phi quân sự và dọc đường 1A thành vành đai trắng. Quân và dân Quảng Trị kiên cường chiến đấu bảo vệ căn cứ địa cách mạng, tuyến hành lang chiến lược, đường vận chuyển chiến lược Bắc Nam. Tiêu biểu là các chiến công đánh bại nhiều cuộc hành quân lớn của thuỷ quân lục chiến Mỹ ở Gio Cam, đòn tấn công dồn dập dội bão lửa xuống Dốc Miếu, Cồn Tiên mở đầu cho những trận pháo kích lớn của quân và dân toàn miền.

Bị thua đau ở chiến trường Quảng Trị, đế quốc Mỹ tung con bài cuối cùng B52 ném bom rải thảm một vùng rộng lớn của khu vực Vĩnh Linh. Quân và dân Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu, trừng trị thích đáng tội ác của bọn xâm lược, ngày 17/9/1967, máy bay B52 đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi trên chiến trường Việt Nam và trong suốt thời gian từ năm 1965 đến năm 1972, quân và dân Vĩnh Linh đã bắn rơi 293 máy bay Mỹ (trong đó có 7 máy bay B52). Đặc biệt, trận tấn công mạnh mẽ, táo bạo vào thị xã Quảng Trị đêm 6/4/1967 giải thoát 260 cán bộ, du kích bị địch bắt giam, mở đầu cho nhiều trận đánh vào các thị xã của quân giải phóng trên toàn miền Nam.

Trong tổng tiến công và và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ở hướng tây, từ ngày 6/2/1968, lực lượng vũ trang huyện Hướng Hoá cùng với bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hoá, căn cứ Hội San. Tuyến phòng thủ tây Khe Sanh bị phá vỡ một mảng khiến cho tập đoàn cứ điểm này như một cái kiềng bị gãy hai chân, chỉ còn sót lại cụm cứ điểm Tà Cơn hoàn toàn bị cô lập. Cuối năm 1968 trở đi, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị đẩy mạnh xây dựng cơ sở, tổ chức phong trào đấu tranh đánh bại kế hoạch “bình định” cấp tốc của địch, diệt ác, trừ gian, giành chính quyền ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh.

Năm 1971, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị cùng quân, dân cả nước phối hợp cùng các lực lượng vũ trang Cách mạng Lào mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân đội Việt Nam Cộng hòa với sự yểm trợ của quân đội Mỹ. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã làm thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận tải chiến lược dọc biên giới Việt Nam - Lào, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “ Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tạo nên sự thay đổi lớn về cục diện trên chiến trường có lợi cho ta, là tiền đề quan trọng để lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị tiến lên giải phóng quê hương.

Mùa xuân năm 1972, được sự chi viện của cả nước, 11 giờ 30 phút ngày 30/3, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực tiến công mạnh mẽ, đập tan hệ thống phòng thủ của địch ở cửa ngõ phía Bắc “Vành đai thép – Hàng rào điện tử Mác Na-na-ma-ra” xé toang các cứ điểm Ba Hồ, Động Toàn, Dốc Miếu, Cồn Tiên, các cao điểm 365, 554, 241… bị tiêu diệt, các cứ điểm lớn ở Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, La Vang lần lượt bị ta đánh chiếm. Ngày 1/5/1972, Quảng Trị cơ bản được giải phóng. Trong hai đợt tiến công từ 30/4 đến 4/5/1972, quân và dân Quảng Trị đã độc lập chiến đấu 36 trận, diệt 221 tên địch, bắt sống 2.600 tên, thu 3.800 súng các loại, đập nát toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng 30 vạn dân, thiết lập chính quyền cách mạng.

Trước thảm bại để Quảng Trị thất thủ, Thừa Thiên - Huế bị uy hiếp nặng nề, Mỹ, ngụy tổ chức đợt phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị. Địch đã huy động những sư đoàn thiện chiến nhất, những đơn vị binh chủng được trang bị hiện đại nhất, được chi viện tối đa về hỏa lực với khối lượng bom đạn khổng lồ nhằm chiếm lại Thành Cổ Quảng Trị. Nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị cùng các đơn vị chủ lực đã anh dũng chiến đấu suốt 81 ngày đêm, diệt hơn 24.000 tên địch, bắn rơi 180 máy bay, phá hủy 140 xe quân sự cùng nhiều vũ khí, khí tài, phương tiện chiến tranh khác. Cuộc chiến đấu giữ Thành Cổ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì, bền bỉ của ta trên bàn hội nghị Pa ri, góp phần tích cực dẫn tới sự kiện ký hiệp đinh Pa ri chấm dứt chiến tranh, quân Mỹ cút về nước. Quân và dân Qảng Trị cùng cả nước tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh bại kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" của Mỹ, ngụy bằng chiến thắng Cửa Việt năm 1973, xây dựng lực lượng, chiến đấu kiên cường dũng cảm, chống địch lấn chiếm gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, bằng chiến dịch tiến công giải phóng hoàn toàn quê hương, quân và dân Quảng Trị đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh hàng chục trận lớn nhỏ, diệt 1.250 tên, bắt sống 3.126 tên, phá huỷ 13 xe quân sự, thu 69 xe quân sự cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác. Với chiến công này, quân và dân Quảng Trị đã góp phần xứng đáng giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế, hòa cùng với các chiến thắng của quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổng kết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị đã độc lập và phối hợp chiến đấu trên 9.817 trận, bắn rơi 1.092 máy bay ( trong đó độc lập bắn rơi 387 chiếc, có 7 chiếc B52 ), bắn chìm 504 tàu, bắn cháy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép. Tiêu diệt và bắt sống hàng chục ngàn tên địch, trong đó có hàng trăm tên biệt kích, thám báo, phát hiện và bóc gỡ nhiều đường dây tình báo. Đã tổ chức trên 1.388 cuộc đấu tranh chính trị, tiến hành nội ứng, phối hợp diệt nhiều căn cứ, công sở, tổ chức binh biến 1 đại đội biệt kích người Thượng, 2 trung đội dân vệ, làm tan rã hàng trăm phòng vệ dân sự, gọi hàng 1.866 tên trở về với cách mạng.

Quân và dân Quảng Trị phục vụ chiến đấu tốt, tiến hành vận chuyển đạn dược, lương thực thực phẩm, thương bệnh binh, đưa đón cán bộ với hàng triệu ngày công. Cung cấp hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội và nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Xây dựng hệ thống công trình phòng tránh, công sự hầm hào chiến đấu với 2.017 km hào giao thông, 4.0821 hầm chữ A, 10.641 hầm chìm, 61.158 hầm lán, 57.887 hầm công cộng và nhiều địa đạo với quy lớn.

Bên cạnh đó, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị luôn nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, đã cùng với nhân dân hai tỉnh Xa Vẳn Na Khệt, Xa La Van của nước bạn Lào tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, trên cơ sở liên minh chiến đấu, giữ vững tình đoàn kết thủy chung cùng giải phóng, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.

Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, 7 Huân chương quân công giải phóng các hạng, 374 Huân chương Độc lập các hạng, được Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng thưởng 4 Huân chương Thành đồng, 3 Huân chương Giải phóng. Có 134 tập thể và 65 cá nhân đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị đươc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 29 tháng 4 năm 2002, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định số 243/2002/QĐ/CTN điều chỉnh đối tượng tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ "Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị" (tại Quyết định số 101/LCT ngày 6/11/1978) thành "Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Trị".

Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Trị cùng cả nước đang ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi. Lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện từ tỉnh đến cơ sở, nền quốc phòng toàn dân ngày càng được xây dựng vững chắc, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây đắp truyền thống “Bám trụ kiên cường, lập công xuất sắc, vững mạnh toàn diện”.

                                                                                                                                                                                  BAN BIÊN TẬP


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 922
Hôm qua : 1.146
Tháng 04 : 23.243
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.046.323
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04