• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp lại người lính Trung đoàn 95 năm xưa

(QT) - Nếu như không có sự giới thiệu trước, thật khó hình dung được cụ ông đã 102 tuổi ngồi trước mặt tôi đây là một trong những người lính đầu tiên của Chi đội Nguyễn Thiện Thuật năm xưa. Dáng ông cao gầy, tóc bạc trắng, vầng trán rộng, khuôn mặt quắc thước. Đi qua cuộc đời hơn một thế kỉ, đôi mắt của ông vẫn sáng, trí tuệ vẫn minh mẫn. Tôi nghĩ thời trận mạc dọc ngang trên những nẻo đường của quê hương, đất nước, ngày ấy chắc ông oai phong lắm. Những trận đánh sơ khai buổi đầu với quân xâm lược Pháp, Nhật đã làm cho ông cùng đồng đội, những người lính áo vải từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu trưởng thành nhanh chóng.

Ông Lê Đình Bá kể chuyện thời đánh giặc với tác giả. Ảnh: N.Đ.T

 

Ngồi trong căn nhà nhỏ ở con hẻm đường Tôn Thất Thuyết, thành phố Đông Hà trong một ngày cuối năm Mậu Tuất, được nghe những hồi ức của ông Lê Đình Bá về những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cảm giác như đưa chúng tôi trở về một thời chưa xa.

 

Ngày ấy, để chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị, ngoài việc tập hợp lực lượng thanh niên, ông Trần Mạnh Quỳ, lãnh đạo cách mạng của tỉnh lúc bấy giờ cho gọi ông Lê Đình Bá (sinh năm 1917) cùng với các ông Trần Xuân Tạc, Nguyễn Can, vốn là những người lính khố xanh đã được giác ngộ cách mạng, thông báo cho các ông biết thời khắc thiêng liêng của chính quyền cách mạng đã đến. Ông tuyên bố: “Từ hôm nay các đồng chí chính thức trở thành giải phóng quân”. Ông phân công nhiệm vụ cho ba người phải tích cực vận động anh em lính khố xanh đang đóng trong thành Quảng Trị quay về với cách mạng. Ông Nguyễn Can lúc đó là Phó quản cơ lính khố xanh được phân công khóa cửa thành Quảng Trị không cho lính ra ngoài; đồng thời giao cho một người lính nữa khóa kho súng lại. Còn ông Lê Đình Bá và ông Trần Xuân Tạc thì thực hiện nhiệm vụ đưa hơn ba mươi lính khố xanh, mỗi người mang theo hai khẩu súng ra cánh đồng Hạnh Hoa để gặp lực lượng cách mạng do ông Trương Linh chỉ huy - một người mà ông Bá đã quen biết từ trước. Tại đây anh em chia súng cho quân giải phóng. Sau đó, ông Trần Xuân Tạc lại được cử vào thành, qua tòa Lãnh binh kêu gọi binh lính Nam Triều ra mở cổng thành đón lực lượng cách mạng vào thành chiếm dinh Tuần Vũ. Một cánh quân khác của quân ta nhanh chóng chiếm Tòa Sứ Quảng Trị vào trưa hôm đó. Chỉ huy Trương Linh ra lệnh cho lực lượng quân giải phóng đánh chiếm được ở đâu thì ở tại đó… Cho đến ngày 23/8/1945, khi giành được chính quyền ở tỉnh lị Quảng Trị, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, ông Trần Hữu Dực, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Quảng Trị trịnh trọng tuyên bố: “Xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng”. Sau đó vài giờ, Ủy ban cách mạng lâm thời đã ra Quân lệnh số 2 “Mở cuộc tuyển quân cấp tốc lập chi đội giải phóng quân”. Thực hiện Quân lệnh số 2, Chi đội giải phóng quân đầu tiên mang tên Nguyễn Thiện Thuật ra đời với 1.500 quân, đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và cũng là một trong những đơn vị chủ lực của quân đội ta. Điều đặc biệt là trong lực lượng vũ trang của tỉnh lúc bấy giờ có nhiều người từng là binh lính của chế độ cũ theo về với cách mạng, trực tiếp cầm súng đánh đuổi ngoại xâm.

 

Tham gia lực lượng vũ trang ngay từ đầu cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Lê Đình Bá được phiên vào Chi đội do ông Trương Linh làm Chi đội trưởng, ông Nguyễn Đăng Trình làm chi đội phó. Để chuẩn bị cho việc ngăn chặn các hướng tấn công của quân đội Pháp, ông Lê Đình Bá được lệnh chọn những người là lính khố xanh cũ phiên thành một trung đội hành quân lên Sê Pôn, Lào chuẩn bị đánh quân Pháp. Ý định của chỉ huy chọn những người này là vì họ đã được huấn luyện kĩ khi còn là lính khố xanh. Thời kỳ này chỉ huy cấp trên nhận định quân Pháp sẽ tiến về từ hướng Lao Bảo nên Tiểu đoàn trưởng Lê Bá Vận chỉ huy ông Lê Đình Bá đưa quân tiến ra đường 9, mở đường qua Sê Pôn, giải phóng toàn bộ vùng này. Trận đánh đầu tiên của đơn vị ông là chạm trán với quân Nhật, sau đó là quân Pháp cùng với quân khố xanh Thao ô của Lào. Nói là đánh nhưng khi quân ta nổ súng một hồi, quân địch vội vã rút lui. Trận giáp mặt với quân Nhật tại đây diễn ra nhanh chóng, chỉ kéo dài hơn ba mươi phút, lúc này quân Nhật đã mất hết tinh thần nên buông súng đầu hàng. Quân ta bắt được 64 lính Nhật, tước khí giới, chỉ huy cho lấy 2 chiếc xe của quân Nhật, sơn lại màu, chở tù binh Nhật về Đông Hà, từ đây đưa lên thuyền xuôi về theo sông Hiếu đến ngã ba Gia Độ thì giao cho lực lượng của phía bên mình.

 

Sau trận đánh ở Sê Pôn, ông Lê Đình Bá được lệnh điều quân về trấn giữ cầu Lao Bảo, đầu năm 1947 lại được điều về Cam Lộ. Nhờ những chiến công của ông cùng đơn vị lập nên, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trên chiến trường lửa đạn. Một thời gian sau ông Hùng Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 lệnh cho ông Lê Đình Bá từ Cam Lộ về chỉ huy đại đội ở Nam Mỹ Chánh (Hải Lăng) giáp với tỉnh Thừa Thiên. Thời điểm này ông Lê Đình Bá được giao giữ chức Đại đội trưởng. Khi vào thăm, ông Hùng Việt quan sát việc bố trí quân của ông Lê Đình Bá. Thấy trận địa được bố trí dọc theo Quốc lộ 1, ông Hùng Việt quát, đòi cách chức ông vì cho rằng việc bố trí quân như thế này mà giả sử gặp quân địch sẽ phơi lưng cho chúng bắn. Bình tĩnh, nghe chỉ huy phân tích, lúc bấy giờ ông Bá mới thổ lộ rằng việc bài binh bố trận này chỉ là đòn nghi binh, còn quân lính của ông chủ yếu đang phục ở phía sau đường tàu hỏa trong rừng, nếu quân địch tràn qua đây ông sẽ ra lệnh đánh tấp hậu. Nghe xong, ông Hùng Việt khen ông biết cách bố trí trận địa để khi đánh địch khỏi bị tổn hao lực lượng.

 

Đang đóng quân ở Hải Lăng, cấp trên nhận định quân Pháp sẽ tiến về từ Lao Bảo nên đã điều ông Lê Đình Bá cấp tốc đưa quân hành quân qua Mai Lĩnh, Triệu Nguyên, bố trí quân ở Xoa thuộc vùng Cùa. Đến nơi chưa kịp ăn cơm, hai giờ sáng đội quân của ông được lệnh đánh địch khi trời đang còn sương mù. Khi quân ta nổ súng đánh trực diện một lúc, quân Pháp đã bỏ chạy vì chúng không ngờ quân ta đã được trang bị vũ khí tương đối khá. Khi quân Pháp rút đi, Bộ chỉ huy Trung đoàn 95 tiến về Cam Lộ đóng quân. Lúc đó quân ta mai phục dọc theo đường 9. Để ngăn chặn quân Pháp từ Lao Bảo về, các ông Hùng Việt và Trần Sâm (Chính trị viên Trung đoàn 95) chỉ đạo đưa quân Trung đoàn 95 lên chặn đánh địch ở cầu Đầu Mầu. Đại đội trưởng Lê Đình Bá được giao chỉ huy một cánh quân bám sát, chặn không cho xe địch qua cầu. Ông cử một chiến sĩ bò vào sát cầu ném lựu đạn vào xích xe tăng địch. Xe tăng đứt xích nằm chết giữa đường. Bị chặn đánh, quân Pháp lúc này có hàng trăm tên không qua được cầu bèn tìm cách lội xuống suối để đi qua. Thấy chiến sĩ bắn trung liên loay hoay mãi không bắn được, ông Lê Đình Bá xông tới cầm súng bắn liên hồi hỗ trợ cho quân ta chặn địch băng qua suối. Phát hiện ra hướng tấn công, quân Pháp tập trung hỏa lực về phía ông. Ông Bá bị một viên đạn xuyên ngang ngực, máu ra nhiều nên đuối sức, ngã xuống. Ông được đồng đội đưa về Cam Lộ cứu thương. Trận này ông Lê Đình Bá được Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật đề nghị trên khen thưởng và ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Ba (kí ngày 9/10/1948).

 

Chiến sĩ trẻ lực lượng vũ trang Quảng Trị hôm nay. Ảnh: KQ

 

Đang điều trị vết thương ở Ngô Xá, Triệu Trung, Triệu Phong, ông Lê Đình Bá được chuyển ra Vĩnh Linh để có điều kiện chữa trị tốt hơn. Thời gian này ông rất buồn đau khi nghe tin người bạn chiến đấu ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng là ông Trần Xuân Tạc đã hi sinh; sau đó ông lại hay tin người em trai của mình cũng đã hi sinh trong một trận chiến không cân sức với quân thù. Sau ba tháng điều trị trở về, ông được lệnh của chỉ huy Trung đoàn cắt đường đưa quân về chiến khu Ba Lòng. Ông xem sa bàn xong tập hợp anh em hành quân hai ngày một đêm về Ba Thung, Quật Xá, băng qua Cùa vào đến Ba Lòng. Thời gian đóng quân ở đây chủ yếu để làm công tác huấn luyện. Một thời gian sau cấp trên lại điều ông Lê Đình Bá vào Bợc Lở, Hải Lăng huấn luyện cho đại đội 3 của Tiểu đoàn 4 đóng quân ở đây. Với vốn kiến thức nắm được thời trước được Pháp đưa đi học về địa hình học, về võ thuật, ông đã ra sức tập trung huấn luyện cho anh em đồng đội theo chỉ lệnh của cấp trên. Từ Hải Lăng, ông được thủ trưởng Trần Sâm rút lên làm Tiểu đoàn phó, Trưởng Ban phòng ngự căn cứ địa Ba Lòng kiêm Trưởng Ban đốc chiến. Thời gian xây dựng căn cứ địa cách mạng, ông rất biết ơn cấp trên và lòng dân Quảng Trị đã dốc sức, dốc lòng cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo nuôi quân cho cuộc kháng chiến dài lâu. Từ chiến khu Ba Lòng, ông Lê Đình Bá được cấp trên cử đi học Trường sĩ quan trung cấp ở Đại Từ, Thái Nguyên. Học xong, năm 1949 ông Lê Đình Bá được điều động vào miền Nam, sau đó qua Campuchia làm Tham mưu trưởng quân tình nguyện Quân khu miền Đông Campuchia. Tại đây ông cùng với đồng đội huấn luyện binh sĩ, chiến đấu chống quân Pháp, cầm cự kháng chiến lâu dài, tiêu hao sinh lực của địch, chia lửa với các chiến trường khác cho đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông cùng đồng đội tập kết ra Bắc.

 

Có một câu chuyện trắc trở trong chiến tranh mà ông kể cho tôi nghe, như là chi tiết của một câu chuyện tình báo. Số là trong thời gian chiến tranh đang diễn ra ác liệt thì phía quân ta nhận được tin có một bức thư gửi cho quân đội Pháp, đề tên người gửi là Lê Đình Bá. Bức thư tiết lộ việc bố phòng của quân ta. Điều đó gây nghi kị trong nhiều người, cho rằng trong lực lượng của mình có nội ứng của đối phương. Cũng may thời gian này có một cuộc càn quét của quân Pháp vào căn cứ địa của ta, lực lượng này đã bị tiêu diệt rất nhiều vì sa vào trận địa được cài lựu đạn của quân ta do ông Lê Đình Bá chỉ huy. Cùng với việc xem xét kĩ các yếu tố khác của tổ chức, ông Lê Chưởng, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã trực tiếp minh oan cho ông và động viên ông không nên nản lòng, việc gì đó đã có tổ chức lo. Sau này ông Lê Đình Bá biết được người viết bức thư giả mạo trên, nhưng vì ông này bị chết sau đó ít lâu do phản bội nên ông cũng không còn oán hận người ta nữa. Thời đó còn có người do không chịu nổi khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến đã bỏ trốn. Chiến tranh, cũng có những góc khuất thương đau.

 

Rời chiến trường khốc liệt Quảng Trị thời kháng chiến chống Pháp, sau này tập kết ra Bắc, ông Lê Đình Bá được Đảng, Nhà nước đào tạo, trao trọng trách Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 664 - Miền Tây Nam Bộ, đóng quân ở Thanh Hóa, làm nhiệm vụ huấn luyện. Một thời gian sau do sức khỏe giảm sút, vết thương cũ tái phát, ông được cấp trên cho đi an dưỡng ở Sầm Sơn; khi hồi phục ông được điều về làm việc tại Ban Dân sự Cục quản lý doanh trại. Làm việc ở đây một thời gian ông được cử đi học Nghị quyết về phát triển nông trường và được điều động đi xây dựng và phụ trách Nông trường Lệ Ninh (Quảng Bình). Lúc rời quân đội, ông mang quân hàm thiếu tá. Với cuộc đời binh nghiệp, từ một lính khố xanh, ông được giác ngộ cách mạng và đã tham gia cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc với nhiều cương vị khác nhau. Dù ở cương vị nào ông cũng đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho.

 

Nhìn lại đội quân Nguyễn Thiện Thuật ngày ấy, sau này là Trung đoàn 95 ra đời và trưởng thành trên mảnh đất Quảng Trị gian lao nhưng anh dũng, được nhân dân đùm bọc, chở che, trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông Lê Đình Bá rất tự hào về những người chỉ huy Trung đoàn và đồng đội một thời vào sinh ra tử với ông. Trong chiến công oai hùng của Trung đoàn 95 ngày ấy có phần đóng góp của ông với tấm Huy chương Chiến sĩ vẻ vang do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí tặng (ngày 1/6/1963). Một vinh dự nữa là mới đây ông được trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Có lẽ còn rất ít những người lính Trung đoàn 95 năm xưa có được vinh dự này.

 

Nhiều người cho rằng khi tuổi tác càng cao người ta thường sống bằng kí ức, hoài niệm. Đang sống ở Châu Đốc, An Giang với vợ chồng người con út, mới đây theo nguyện vọng, ông Lê Đình Bá được các con đưa về Đông Hà sống với vợ chồng người con cả để gần gũi quê nhà. Khi tôi đến thăm, hỏi chuyện về một thời ông cùng đồng đội tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, đôi mắt của người lính già Lê Đình Bá như hướng về miền xa xăm. Ngày ấy, đã hơn 7 thập niên trôi qua, từ ruộng đồng xứ sở quê nhà, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, những người lính đã cầm súng hiên ngang ra chiến trường đánh đuổi ngoại xâm. Và ông vinh dự vì đã có mặt từ đầu trong đội quân hùng dũng ngày ấy…

 

Minh Tứ


Nguồn:Báo Quảng Trị Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 760
Hôm qua : 1.195
Tháng 05 : 18.403
Tháng trước : 95.444
Năm 2024 : 3.046.706
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04