• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng dân quân du kích tỉnh Quảng Trị trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968

Kế thừa nghệ thuật quân sự trong dựng nước và giữ nước của cha ông, cũng như kinh nghiệm về lối đánh chiến tranh du kích trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng dân quân, du kích tỉnh Quảng Trị đã nêu cao tinh thần chủ động, tích cực tiến công địch bằng phương thức chiến tranh du kích: tác chiến nhỏ lẻ, rộng khắp; có mặt và sẵn sàng đánh địch ở bất cứ nơi nào quân địch đặt chân đến; lấy cách đánh bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm bằng mọi thứ vũ khí của nhân dân làm cách đánh của mình. Mặc dù quân đội Mỹ- ngụy ra sức càn quét, đánh phá ác liệt, nhưng lực lượng dân quân, du kích cùng quân và dân Quảng Trị vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu với khẩu hiệu: “Một tấc không đi, một ly không rời”, giữ thế cài răng lược với địch, không ngừng phát triển các căn cứ chiến đấu, vành đai du kích.

Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh. Ảnh: Thanh Nghị

 

Trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, lực lượng dân quân, du kích các huyện Hướng Hóa (nay là huyện Hướng Hóa và Đakrông), Gio Linh, Cam Lộ đặt dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị và Mặt trận miền núi Trị - Thiên đã đóng vai trò hết sức quan trọng, tiến công địch ở khắp mọi nơi, mọi lúc, tham gia phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, lực lượng quần chúng góp phần giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa .

 

Ở mặt trận Gio - Cam, ngày 13/1/1968, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, du kích Cam Mỹ (nay là xã Cam Tuyền và Cam Thành) đánh chặn 1 đoàn xe vận tải, phá huỷ 9 xe, diệt hơn 100 tên địch trên đoạn đường Tân Lâm - Ca Lu. Đêm 20, rạng ngày 21/1/1968, du kích Cam Mỹ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh vào Chi khu Cam Lộ, tiêu diệt 40 tên địch. Lực lượng du kích xã Cam Chính đẩy mạnh công tác theo dõi mọi hoạt động của địch, cùng nhân dân và bộ đội chủ lực tấn công trụ sở ngụy quyền, đánh đuổi dân vệ, bao vây đồn Cồn Trung, chớp thời cơ phá sập các ấp chiến lược, giải phóng vùng Cùa. Du kích xã Cam Nghĩa phối hợp với quân chủ lực tập trung đánh địch trên địa bàn Cam Nghĩa diệt 80 tên địch, thu 100 khẩu súng các loại. Tiến hành đột nhập tiêu diệt 5 tên ác ôn, 6 tên phòng vệ dân sự, thu 13 khẩu súng.

 

Để phối hợp với lực lượng của ta đánh vào thị xã Quảng Trị, thành phố Huế, đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, Tiểu đoàn 27 bộ đội địa phương của Ban cán sự Bắc Đường 9 phối hợp với bộ đội địa phương huyện Cam Lộ và du kích xã Cam Thủy, Cam Mỹ bao vây Chi khu Cam Lộ, đánh địch ở cầu Đuồi, Vĩnh An. Tại Gio Linh, lực lượng vũ trang huyện được sự hỗ trợ, phối hợp của bộ đội địa phương khu vực Vĩnh Linh, mở đợt tiến công vào đồn bốt, vị trí của địch từ nam sông Bến Hải đến Cửa Việt.

 

Ngày 2/2/1968, du kích các xã Gio Hà, Gio Mỹ, Gio Hải phối hợp với Trung đoàn 270 chặn đánh 4 tiểu đoàn địch đi càn, diệt 80 tên, bắn cháy 2 xe tăng. Đáng chú ý là trận phục kích trên tuyến giao thông đường thủy Cửa Việt - Đông Hà, đoạn ngã ba Gia Độ - Hói Sòng của bộ đội địa phương và đặc công chủ lực, đánh chìm 3 tàu vận tải của địch, tiêu diệt hàng chục tên, làm cho tuyến vận tải huyết mạch Cửa Việt - Đông Hà - thị xã Quảng Trị bị tắc nghẽn hoàn toàn trong 4 ngày liền. Trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu” tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của quân và dân địa phương, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo trong chỉ đạo, chỉ huy, hiệu suất chiến đấu cao, có ý nghĩa quan trọng cả về quân sự, chính trị, làm nức lòng cả Mặt trận và được Bộ Tư lệnh B5 biểu dương khen ngợi.

 

Ở mặt trận Đường 9, lực lượng dân quân, du kích đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực tiếp tục tiến công, vây hãm Khe Sanh, chặn đánh quyết liệt các đường tiếp viện bằng đường bộ, đường không của địch. Du kích xã Mò Ó phối hợp với bộ đội địa phương đóng ở khu vực Ba Lòng và bộ đội chủ lực tổ chức đánh 8 trận ở đoạn đường từ Sa Mưu lên Km 45 đường 9, diệt 1 đoàn xe vận tải của Mỹ 9 chiếc, 100 tên, 1 kho xăng dầu. Phối hợp hỗ trợ chiến dịch giải phóng Khe Sanh, du kích xã cùng các đơn vị đánh 7 trận lớn nhỏ vào cứ điểm Khe Yên, diệt 35 tên, thu 32 súng. Ngày 7/6/1968, quân ta đánh bại cuộc hành quân giải tỏa mang tên “Ngựa bay” của 8 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, dồn địch ở Khe Sanh lâm vào tình thế hết sức khốn quẩn. Không thể chịu đựng nổi sức tiến công, vây hãm, uy hiếp của quân ta, ngày 9/7/1968, Mỹ buộc phải rút quân khỏi căn cứ Khe Sanh, một vị trí có ý nghĩa chiến lược được chúng lập ra từ cuối năm 1967. Sau hơn 170 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và bắn cháy hàng trăm máy bay, xe quân sự, phá hủy hàng chục khẩu pháo lớn và kho tàng của địch, thu hàng nghìn súng các loại; giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa với hơn một vạn dân.

 

Chiến thắng Khe Sanh - giải phóng huyện Hướng Hóa đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam hoàn toàn được giải phóng khỏi ách thống trị của Mỹ - ngụy, làm bàn đạp cho cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

 

Có thể thấy rằng, trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, lực lượng du kích đã phát triển đặc biệt sâu rộng, mạnh mẽ, cực kỳ phong phú, đa dạng về hình thức đánh địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Lực lượng du kích Quảng Trị đã đánh địch ngay tại địa phương mình bằng mọi loại vũ khí, chủ động tiến công địch mọi nơi, mọi lúc, nhằm vào binh lính, sĩ quan, đồn bốt, trụ sở chính quyền địch, vũ khí phương tiện, kho tàng sân bay, bến cảng, cầu cống, đường giao thông thủy, bộ.... Lực lượng du kích đã góp phần giải phóng các vùng sau lưng địch tạo ra thế chiến lược có lợi cho ta, tạo thời cơ, bàn đạp cho bộ đội chủ lực tác chiến tập trung tiêu diệt lớn quân địch, đẩy địch vào thế bị động lúng túng giữa phân tán với tập trung, giữa cơ động và chiếm đóng.

 

Bằng những cách đánh sáng tạo, độc đáo, đa dạng, lực lượng dân quân, du kích nói riêng, quân và dân Quảng Trị nói chung đã tạo ra lối đánh “Chiến tranh du kích” gây cho địch rơi vào thế “thiên la địa võng”. Đúng như R.Rátxen, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện Mỹ phải thừa nhận: “Chúng ta (Mỹ) phải đương đầu với đội quân du kích tài tình nhất và chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Bất luận ở đâu, người lính nào cũng nghĩ rằng bước thêm một bước nữa có thể là bước cuối cùng của đời mình”.

 

50 năm đã trôi qua nhưng những chiến công, trận đánh vang dội của lực lượng dân quân du kích tỉnh Quảng Trị trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 mãi là bản anh hùng ca bất tử về sự hy sinh, lòng dũng cảm vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là những bài học kinh nghiệm quý báu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ mới.

 

Nguyễn Chí Hiếu

 


Tác giả: Nguyễn Chí Hiếu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.003
Hôm qua : 1.282
Tháng 04 : 22.401
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.045.481
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04