• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang Cồn Cỏ, đơn vị 2 lần Anh hùng

Cách đây gần 60 năm, ngày 8/8/1959 nhận rõ âm mưu của Mỹ-ngụy sẽ đổ bộ đánh chiếm đảo Cồn Cỏ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến gấp rút tổ chức lực lượng ra giữ đảo. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ, đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - tiền thân của lực lượng vũ trang huyện đảo Cồn Cỏ ngày nay.

Lá cờ danh hiệu “ Cồn Cỏ anh hùng” do Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng được đưa đến động viên từng chiến sỹ ở tại vị trí chiến đấu ( 6/1965 ) 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Cồn Cỏ có vị trí chiến lược về quân sự, là “vọng gác tiền tiêu” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đứng ở đảo sử dụng các phương tiện quan sát có thể phát hiện mọi động tĩnh ở đất liền, có thể thấy các vị trí của địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, cảng Cửa Việt và phát hiện tàu địch từ xa. Do đó, khi đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc thì Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá có tính hủy diệt. Đảo Cồn Cỏ đã đi vào lịch sử, được mệnh danh là “Con mắt thần giữa Biển Đông”, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Ngày 8/8/1959, đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ thuộc Trung đoàn 270 được thành lập. Chỉ 2 ngày sau khi lực lượng của ta đặt chân lên đảo, Mỹ - ngụy đã đưa tàu chiến bao vây, các chiến sĩ Cồn Cỏ dũng cảm chiến đấu, chống trả quyết liệt buộc chúng phải rút chạy. Lực lượng vũ trang trên đảo được quan tâm xây dựng vững mạnh, đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ là Đại đội 32, Trung đoàn 270, Quân khu 4, một đơn vị hỗn hợp gồm bộ binh và các phân đội công binh, cao xạ, hoá học, thông tin... Cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo Cồn Cỏ đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện “công sự hóa đảo, toàn năng hóa đơn vị”, kiên cường chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho đảo quyết sinh”.

Năm 1964, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đầu tiên mà kẻ địch muốn tiêu diệt. Ngày 8/8/1964, địch huy động 60 lần máy bay chia thành nhiều hướng tấn công vào đảo Cồn Cỏ. Trận chiến diễn ra ác liệt, các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu hết sức anh dũng và ngoan cường, bắn rơi 2 máy bay và bắn bị thương một máy bay khác, mở màn cho những thắng lợi liên tiếp trong 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù, với trên 1.000 trận đánh lớn nhỏ.

Từ tháng 8/1964, đảo Cồn Cỏ bị máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá hàng nghìn lần bằng nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, mức độ ác liệt, thời gian kéo dài (có đợt lên đến 24 ngày liền). Đảo sống nhờ đất liền, cả nước ngọt lúc đầu cũng chở từ đất liền ra. Bước vào cuộc kháng chiến, cường độ đánh phá của địch ngày một tăng, hầu như ngày nào cũng có thương vong, những nhu cầu mới xuất hiện: Bổ sung người, vũ khí, vật liệu xây dựng công sự, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra, đưa thương binh, tử sĩ vào đất liền. Tất cả những việc đó trong ngày thường đã khó, trong hoàn cảnh bấy giờ càng khó khăn gấp bội. Đầu tháng 6/1965, Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh ra lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”. Hàng ngàn lá đơn của dân quân, thanh niên các xã ven biển Vĩnh Linh như Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang..., có cả cụ già trên 60 tuổi cũng xung phong đi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.

Trên “con đường máu” ra đảo, nhiều thuyền của ta bị bắn chìm, nhiều chiến sĩ hi sinh anh dũng nhưng đêm đêm những chuyến hàng tiếp tế vẫn cập đảo, hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm... đã được những con thuyền gỗ đơn sơ chở từ đất liền ra phục vụ chiến đấu ở đảo. Cái giá của mỗi viên đạn, mỗi cân gạo đều phải tính bằng máu. Hàng trăm gia đình ở các xã ven biển Vĩnh Linh có người hi sinh, hoặc bị địch bắt đưa đi mất tích. Tính ra số người hi sinh cho nhiệm vụ tiếp tế nhiều gấp ba lần số bộ đội hi sinh trên đảo.

Xúc động trước sự hi sinh, đùm bọc của đất liền, cán bộ, chiến sĩ đơn vị nêu cao cảnh giác, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, hiệp đồng chặt chẽ, đánh bại các âm mưu thủ đoạn của địch, giữ vững trận địa. Từ năm 1964 đến 1966, đơn vị đã bắn rơi 31 máy bay Mỹ, bắn chìm 1 tàu khu trục, phối hợp với bộ đội hải quân bắn chìm 2 tàu chiến, bắn bị thương 4 tàu Mỹ. Tiêu biểu là trận chiến đấu ngày 3/4/1965, phân đội súng máy phòng không 14 ly 5 bắn cháy 3 máy bay phản lực Mỹ; ngày 11/6/1965, trung đội do đồng chí Nguyễn Hữu Tứ chỉ huy bắn rơi 2 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác...

Từ năm 1967, đơn vị phát huy truyền thống sẵn sàng chiến đấu cao, đã bắn rơi thêm 17 máy bay phản lực, bắn chìm 2 tàu khu trục, 8 xuồng chiến đấu, bắn bị thương 1 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục, 1 tàu đổ bộ, bảo vệ được đảo. Đầu tháng 9/1967, chỉ sau 3 phút chiến đấu, các lực lượng vũ trang trên đảo đã bắn rơi 2 máy bay phản lực; ngày 31/5/1968, máy bay địch từ nhiều hướng, nhiều độ cao đến đánh vào đảo, đơn vị bình tĩnh chọn đúng thời cơ, bắn chính xác hạ được 4 chiếc; ngày 15 và 20/10/1968, máy bay và tàu chiến địch phối hợp đánh phá cùng một lúc, đơn vị đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy một tàu.

Suốt những năm tháng ác liệt của chiến tranh, các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã không quản ngại hi sinh, anh dũng chiến đấu vì tự do độc lập của Tổ quốc, xuất hiện nhiều gương chiến đấu tiêu biểu như: Khẩu đội Nguyễn Văn Mật, Nguyễn Văn Nhâm bị bom vùi cả người lẫn súng hoặc bị bom nổ chậm rơi trúng vị trí vẫn bình tĩnh dũng cảm tiếp tục chiến đấu bắn rơi máy bay; chiến sĩ Thái Văn A bị thương vẫn đứng trên chòi cao quan sát địch; các các chiến sĩ Vũ Đức Duệ, Bùi Thanh Phong, Nguyễn Văn Khánh bị thương nặng vẫn không rời vị trí chiến đấu... đã góp phần tạo dựng nên tượng đài Cồn Cỏ anh hùng.

Đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, 4 Huân chương Quân công (hạng Nhì và Ba), 2 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì); được nhận thư khen của Bác Hồ. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều được khen thưởng, 49 người được tặng huân chương. Với những thành tích đã đạt được, từ năm 1965 đến năm 1969 cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi ba lần và Bác tặng cán bộ, chiến sĩ hai câu thơ:

“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận

Đánh cho tan xác giặc Huê Kì”

Đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ (tiền thân của lực lượng vũ trang huyện đảo Cồn Cỏ ngày nay) được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, lần thứ nhất vào ngày 22/12/1967 và lần thứ hai vào ngày 25/8/1970. Đại đội 22, Trung đoàn 270, Khu vực Vĩnh Linh - đơn vị tiếp tế cho đảo được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Kế thừa truyền thống anh hùng, trong những năm qua lực lượng vũ trang huyện đảo Cồn Cỏ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, bám sát địa bàn, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

 Khởi Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 788
Hôm qua : 1.149
Tháng 04 : 21.418
Tháng trước : 94.452
Năm 2024 : 3.044.498
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04