Thiếu tướng Lê Chưởng
Thiếu tướng Lê Chưởng (Trường Sinh, 1914-1973), từng giữ các chức vụ: Chính ủy - Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 4, Chính ủy Đại đoàn 304, Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị, Chính ủy Đoàn 959, Chính ủy Học viện Quân chính, Chính ủy Quân khu Trị Thiên - Phó Bí thư Quân khu ủy. Ngoài ra ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa 3, Thứ trưởng Bộ giáo dục.
Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Thiếu tướng Lê Chưởng quê xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1931 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1940-1945, ông bị thực dân Pháp bắt giam 5 lần, có lần bị kết án 20 năm tù và đày đi Buôn Mê Thuột. Tháng 5 năm 1945, ông được trả tự do, về xây dựng cơ sở cách mạng và lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Bình Thuận, chủ bút báo “Quyết thắng” của Việt Minh Trung Bộ.
Tháng 3 năm 1946, ông làm Chủ nhiệm Việt Minh Thuận Hóa, Bí thư Thị ủy. Năm 1947-1948, ông nhập ngũ, làm Chính ủy: Mặt trận Đường 9, Trung đoàn 95; tham gia Khu ủy Khu 4 trực tiếp làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị. Năm 1949, ông làm Chính ủy, Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 4. Năm 1951, ông làm Chính ủy Đại đoàn 304.
Năm 1955, ông làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn trực thuộc Tổng cục Chính trị. Năm 1959-1961, ông làm Chính ủy: Đoàn 959, Học viện Quân chính. Năm 1966-1971, ông làm Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy Quân khu Trị - Thiên. Năm 1971, ông chuyển ngành làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Ông mất vì tai nạn giao thông khi đang trên đường đi công tác.
Lúc sinh thời, Thiếu tướng Lê Chưởng nổi tiếng toàn quân là một "cây thời sự" lôi cuốn và "cây lí luận" sắc sảo. Các đơn vị trong toàn quân đều muốn mời ông đến nói chuyện cho bằng được. Nơi nào ông nói chuyện về thời sự, nơi đó cán bộ và chiến sĩ đến nghe chật ních, đến tận nửa đêm, bất chấp việc không có điện, mi-cờ-rô. Thời ông công tác ở Cục Quân huấn, dưới bút danh Trường Sinh, ông viết 2 tác phẩm đó là “Học tập, xây dựng nhân sinh quan cộng sản” và “Con người và vũ khí trong chiến tranh hiện đại”. Hiện, nhiều nhà trường, đơn vị vẫn lưu giữ 2 tác phẩm này để phục vụ cho công việc nghiên cứu, giảng dạy... Ngoài ra, Thiếu tướng Lê Chưởng lại có tài văn chương, viết tiểu thuyết, làm thơ, và là một cây bút viết báo trứ danh.
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.