• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ tuổi 20 trên tuyến đầu biên giới

(QT) - Những ngày tháng 2 này vừa tròn 40 năm diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 17/2 (1979-2019). Trong tâm khảm của những cựu chiến binh một thời chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, đó là cuộc chiến đấu bi hùng, ác liệt và không thể lãng quên…

Cựu chiến binh Hoàng Dũng nhớ về đồng chí, đồng đội từng sát cánh chiến đấu trên chiến trường biên giới phía Bắc năm xưa​

 

Bây giờ, trong quán nhỏ, tạm bợ nơi góc chợ phường 5, thành phố Đông Hà, ngày ngày cựu chiến binh Nguyễn Phúc, hành nghề may làm kế mưu sinh. Cuộc sống đầy lo toan vất vả nhưng những ngày tháng 2 này, ông lại cảm thấy bồi hồi và nhớ về những đồng chí, đồng đội, những chốt cao điểm trên chiến trường biên giới phía Bắc mà ông đã từng có mặt để chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Ông Phúc kể, nhập ngũ vào tháng 2/1984, ông được biên chế vào đơn vị súng DKZ bộ binh 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Đây là đơn vị bộ đội chủ lực được lệnh tăng cường lên bảo vệ tuyến đầu biên giới, trấn giữ các cao điểm mà quân xâm lược Trung Quốc đã đánh chiếm trước đó. “Nhận lệnh, tháng 4/1987 đơn vị chúng tôi hành quân từ Hà Nội lên đường để thay thế các đơn vị của Quân đoàn 2 trấn giữ các điểm cao như: 468 Đá, Khu 4 Hầm, Hang Máng, Hang Dơi, suối Thanh Thủy… ở Hà Giang. Đây là những điểm cao mà quân ta đã giành lại được và thường xuyên phải hứng chịu sự tấn công ác liệt của kẻ thù. Nhiều địa điểm trong số này được xem là “cửa tử”, “cối xay thịt” vì nằm đối diện ngay với phía quân thù, có một số điểm cao gần đến nỗi hai bên chỉ cách nhau vài chục mét”, ông Phúc kể. Ông Phúc nói rằng, thời điểm đó, quân ta được lệnh lên là để giữ chốt, không nổ súng. Dù vậy, phía quân Trung Quốc vẫn thường xuyên bắn pháo, đạn cối sang nơi chúng nghi ngờ có quân ta đóng. “Trấn giữ các điểm cao hiểm trở, hầu hết địa hình là đá tai mèo sắc nhọn, phía dưới là vực sâu thăm thẳm nên việc cơ động của bộ đội ta hết sức nguy hiểm, đó là chưa kể bị đạn pháo của đối phương thường xuyên uy hiếp. Mỗi khi trời mưa, việc trơn trượt, té ngã bị thương của bộ đội ta diễn ra thường xuyên. Sau hơn 1 năm trấn giữ các cao điểm, tháng 3/1988, đơn vị chúng tôi được lệnh rút về thủ đô”, ông Phúc cho biết.

 

Điều đáng nhớ của ông Phúc là trong thời gian huấn luyện ở Sư đoàn 312 đóng quân ở phố Nỉ, Sóc Sơn, Hà Nội, ông đã vinh dự được kết nạp vào Đảng vì có thành tích xuất sắc trong thi đua quyết thắng, diễn tập khi vừa tròn 20 tuổi. Khi xuất ngũ trở về quê, thời gian đầu ông ở nhà phụ giúp gia đình. Sau đó một thời gian ông đi học nghề may rồi vào TP. Hồ Chí Minh may thuê cho một số cơ sở may áo gió. Đến năm 1994, ông trở về quê, lập gia đình và mở một quán may quần áo nhỏ ở chợ phường 5 cho đến bây giờ… Ông cũng tham gia làm bảo vệ dân phố từ năm 1998 đến nay. “Do cuộc sống bộn bề lo toan, tôi vẫn chưa có dịp quay lại thăm chiến trường phía Bắc lần nào. Tôi ước một lần trở lại đó để tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã hi sinh, được chạm tay vào từng vách đá, nắm từng nắm đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ quốc”, ông Phúc tâm sự.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Phúc làm nghề may quần áo trong cuộc sống đời thường​

 

Lật tờ lịch đúng ngày 17/2 với tất cả niềm xúc động khôn nguôi, cựu chiến binh Hoàng Dũng ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà lại nhớ về đồng đội, nhớ chiến trường biên giới phía Bắc một thời bi tráng. Tháng 9/1982, ông Dũng nhập ngũ và biên chế vào đơn vị C25, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 khi vừa bước qua tuổi 23. Ngày 4/5/1984, đơn vị ông nhận lệnh lên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang để trấn giữ cao điểm Xi Cà Lá, đây là một trong những cao điểm quan trọng và ác liệt nhất trên chiến trường biên giới phía Bắc. “Hành quân đến Hà Giang, đơn vị được nhân dân đứng hai bên đường đón tiếp, vẫy chào không ngớt. Nhiều gia đình còn tiếp lương thực cho bộ đội. Điều đó tiếp thêm tinh thần chiến đấu rất lớn và chúng tôi cảm thấy tự hào khi được cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tôi nhớ mãi hình ảnh và không khí hào hùng đó trong tim mình”, ông Dũng xúc động.

 

Đơn vị của ông Dũng đảm trách vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men lên cao điểm, tải thương về căn cứ. Ông kể đợt đầu quân ta hi sinh quá nhiều nên việc tải thương diễn ra liên tục, dưới làn đạn pháo của kẻ thù. Vượt qua ranh giới sinh tử ở tuyến đầu biên giới, đơn vị của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được lệnh rút quân vào tháng 4/1988. “Mỗi lần nhớ về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở mặt trận Vị Xuyên, tôi lại thương nhớ về những đồng chí, đồng đội đã chiến đấu anh dũng và hi sinh. Nhiều đồng đội đã ngã xuống ở tuổi đôi mươi. Tôi cũng đau đáu tưởng nhớ tới những đồng đội đã hi sinh mà xương cốt chưa tìm được, họ vẫn nằm đâu đó trên những cao nguyên đá, những hang đá tai mèo sắc nhọn…”, ông Dũng mắt đỏ hoe khi nhắc về một thời bi tráng. Ông Dũng cho biết, trên biên giới phía Bắc thì mặt trận Vị Xuyên có nhiều cái nhất: Chiến trường hẹp nhất nhưng hi sinh lớn nhất; nhiều binh chủng tham gia nhất; thời gian kéo dài nhất lên đến 10 năm.

 

Trực tiếp chiến đấu, tham gia phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trong 3 đợt (1979- 1984-1988), tỉnh Quảng Trị có gần 1.000 người, rất nhiều người trong số đó đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Những dịp các cựu chiến binh Sư đoàn 312 ở Quảng Trị tổ chức gặp mặt, ai nấy đều bồi hồi, xúc động kể cho nhau nghe chuyện một thời chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong câu chuyện bi tráng mà tuổi thanh xuân họ đã trải qua, bao giờ cũng có những giọt nước mắt. Đó là nước mắt xúc động của ngày hội ngộ, nước mắt tưởng nhớ đồng đội, đồng chí đã hi sinh và nước mắt nhớ về một thời tuổi trẻ xung phong ra trận bảo vệ bình yên biên cương của Tổ quốc…

 

Đức Việt


Nguồn:Báo Quảng Trị Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 770
Hôm qua : 1.195
Tháng 05 : 18.413
Tháng trước : 95.444
Năm 2024 : 3.046.716
Năm trước : 58.579,95
Tổng số : 3.087.573,04